Phát hành phim cũ
Dịp Quốc tế thiếu nhi được xem là cơ hội cho thể loại phim hoạt hình, nên các đơn vị phát hành đua nhau xếp lịch các bộ phim hoạt hình "bom tấn".
Từ 31/5, tại các rạp chiếu trên toàn quốc sẽ có mặt 2 bộ phim hoạt hình "Trận hùng chiến xứ sở lá cây" của đạo diễn Chris Wedge và "Chiếc đàn kỳ diệu" của đạo diễn Martin Clapp. Ngày 7/6, "siêu phẩm" "Công viên kỷ Jura" của đạo diễn Steven Spielberg cũng lên màn ảnh rộng…
Điều đáng nói trong danh sách phim ấy, chỉ thấy duy nhất một phim hoạt hình Việt "Xin chào bút chì" được chiếu tại cụm rạp BHD Star Cineplex của TP Hồ Chí Minh.
“Xin chào bút chì” là phim hoạt hình Việt duy nhất có mặt trên màn ảnh rộng dịp 1/6.
Nếu cả 3 phim ngoại đều là "món ngon" vừa ra mắt với định dạng 3D, nội dung hấp dẫn thì phim nội lại "thua" cả về công nghệ lẫn cách chiếu. "Trận hùng chiến xứ sở lá cây" có những hình ảnh hoành tráng trong rừng rậm với những cư dân của vùng đất lạ. "Chiếc đàn kỳ diệu" kể về cách Lãng Lãng, một nghệ sĩ dương cầm đưa người mẹ và con cô ta du hành vào chiếc đàn ma thuật và trải nghiệm cuộc đời của thiên tài Chopin. Còn "Công viên kỷ Jura" chẳng xa lạ gì với trẻ nhỏ, một lần nữa sẽ đem đến những cảnh phim hoành tráng về khủng long thời tiền sử.
Trong khi đó, "Xin chào bút chì" là phim hoạt hình Việt Nam đầu tiên làm theo công nghệ Stop Motion, đã ra mắt cách đây một năm trên truyền hình. Tuy 60 tập phim có nội dung thiết thực và gần gũi các em nhỏ với những thông điệp mang tính giáo dục truyền thống, đạo đức, kỹ năng sống, bảo vệ môi trường...
Song, việc xé lẻ bộ phim thành các xuất chiếu dài 20 phút gồm 4 tập phim ngắn trên màn ảnh rộng tối Chủ nhật (từ 1/6) sẽ khiến khán giả… ngán ngẩm. Bởi như thế, không chỉ mạch phim bị đứt đoạn và cảm nhận, cảm hứng của người xem cũng dở dang. Điều này cho thấy hoạt hình Việt lại tiếp tục yếu thế trong mùa hè này.
Khoảng cách quá lớn
Hầu như mùa giải Cánh diều vàng nào, phim hoạt hình cũng có giải. Ngay ở Cánh diều vàng 2012, thể loại hoạt hình cũng có 3 phim: "Càng to càng nhỏ", "Trần Quốc Toản", "Bù nhìn rơm".
Thế nhưng, trẻ chẳng có nhiều cơ hội để được xem cả ở rạp lẫn trên truyền hình. Ngược lại, khi những phim hoạt hình của thế giới như: "Xì trum", "Công chúa tóc xù", "Kungfu Panda", "Lạc vào xứ sở thần tiên", "Alvin"… ra rạp, đã ngay lập tức đắt khách, thậm chí nhiều phim còn bị "cháy vé".
Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho rằng, nguyên nhân là do phim ngoại dù làm cho trẻ nhưng người lớn xem vẫn được, nội dung vui vẻ, nhẹ nhàng, gần gũi cuộc sống. Còn phim hoạt hình trong nước nặng triết lý, làm phim nhắm đến trẻ con, nhưng luôn áp đặt nhãn quan của người lớn, thiếu vắng tiếng cười. "Trên thế giới hiện nay, ranh giới giữa các thể loại phim rất mong manh, nên tư duy của người làm phim ở nước ta nếu không theo kịp khán giả, sẽ khó tiếp thị phim" - bà Lan khẳng định.
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh phim hoạt hình Việt Nam với các siêu phẩm hoạt hình của Hollywood. Nhưng như ông Đặng Vũ Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam, các hãng phim trong nước có thể làm được một bộ phim dài tập bằng công nghệ 3D.
Cái khó của những người làm phim hoạt hình giờ đây không phải là công nghệ, kỹ thuật hay phương tiện làm phim, mà là nguồn kịch bản. Song việc "đấu tay bo" với các bộ phim hoạt hình của nước ngoài dường như là nhiệm vụ "bất khả thi" với các bộ phim hoạt hình Việt Nam vì kinh phí đầu tư cho thể loại phim này hiện còn quá thấp.