Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim truyền hình Việt Khán giả thờ ơ, vì sao?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phim truyền hình Việt đã chiếm tỷ lệ cao trên bàn tiệc điện ảnh nội, thế nhưng "thực khách" vẫn chẳng dễ chọn được món hợp khẩu vị. Là bởi những thước phim không gần gũi cuộc sống đời thường, dù có thay nhau "xếp hàng" trên các kênh truyền hình.

Mờ nhạt

Phải nói rằng, các nhà làm phim Việt đã đa dạng hóa các loại hình phim truyện để cạnh tranh với phim ngoại, và đuổi kịp tỷ lệ 30 - 50% phim Việt trên truyền hình. Các nhà làm phim cũng đầu tư không ít tiền của cho kịch bản, quay phim, bối cảnh, đạo cụ và cả diễn viên. Thế nhưng, phim cứ ồ ạt làm, đài cứ rầm rộ phát sóng, còn người xem thì cứ… thờ ơ. So với khoảng 5 năm trước, chỉ có duy nhất "Giờ vàng phim Việt", thì nay phim Việt có mặt ở nhiều kênh truyền hình, thậm chí còn có riêng kênh phim Việt. Vậy nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay những bộ phim khiến khán giả nhớ và… muốn xem ấy. Một vài bộ phim mang đậm tính hiện thực như "Ma làng", "Bí thư Tỉnh ủy", "Chủ tịch tỉnh"… giúp khán giả nhận ra một mảng hiện thực đen tối ở làng quê thời hiện đại, từ đó góp phần cảnh tỉnh người xem, và xây dựng ý thức việc phải xóa bỏ những tệ nạn xấu. Hay gần đây nhất, bộ phim "Những công dân tập thể" (36 tập) của đạo diễn Vũ Trường Khoa cũng để lại dư âm trong lòng khán giả. Dù không có những xung đột kịch tính, không nhiều ngôi sao trẻ... nhưng mỗi hình ảnh trong phim đều gần gũi với cuộc sống đời thường.

Phim truyền hình Việt Khán giả thờ ơ, vì sao? - Ảnh 1

Phim " Mặt nạ da người" bị chê là quá kịch

Còn lại phần lớn những phim như "Mặt nạ da người", "Mình cưới thật em nhé"… tuy kể những câu chuyện thời sự, dàn diễn viên trẻ, đẹp, nhưng người xem cảm thấy ngán ngẩm vì quá… kịch. Ông Chu Đình Tới (66 tuổi, ở phường Quỳnh Lôi, quận Hoàng Mai) chia sẻ: Phim "Mặt nạ da người" nhiều lúc thoại như đọc phim tài liệu, lúc y như kịch nói có quay ngoại cảnh. Diễn viên đẹp mà diễn xuất kém làm hỏng cả bộ phim. Thời kỳ phim truyền hình mới bắt đầu, nội dung phim hay và chất lượng hơn. Nay hình như người ta chỉ đua nhau làm phim, tranh nhau phát sóng chứ chẳng quan tâm nhiều đến chuyện đầu tư về nội dung, chất lượng".

Xa lạ

Điều dễ thấy và cũng gây khó chịu cho người xem ở hầu hết các bộ phim truyền hình hiện nay là chỉ thấy biệt thự, xe hơi, hồ bơi, sân golf, chân dài, đại gia… Xem phim chỉ thấy được cuộc sống xa hoa với những mối quan hệ tình cảm, quan hệ làm ăn của lớp thượng lưu - tầng lớp chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân số Việt Nam. Ngay cả một số phim ít nhiều thành công như "Cầu vồng tình yêu", "Làn môi trong mưa", "Vật chứng mong manh"… cũng mắc lỗi này. Vì thế, chúng chưa thể trở thành chủ đề bàn luận của nhiều người như các phim trước đây là "Tuyết nhiệt đới", "Bỗng dưng muốn khóc", "Chạy án". Đó là chưa kể nhiều phim bị khán giả phản ứng dữ dội vì nội dung lệch lạc như "Hoa nắng", "Chân trời trắng"… Ông Nguyễn Văn Thành, một bác sĩ của Bệnh viện Da liễu T.Ư chia sẻ: "Trong phim "Chân trời trắng" có rất nhiều chi tiết sai về trang phục, quan niệm của người làm nghề y. Sinh viên y không phấn son lòe loẹt đến trường như thế. Sinh viên năm thứ nhất cũng không học sách của sinh viên năm 3 và 4. Đặc biệt, tôi phản đối việc để cho sinh viên ngành y gọi các thi thể (của người hiến xác) chỉ là những khúc gỗ".

Có người còn nói rằng, phim truyền hình Việt ngày càng "bắt chước" phim truyền hình Hàn Quốc. Nhà lầu, xe hơi với những tổng giám đốc, trưởng phòng… là xu hướng của phim Hàn, mà phim Việt đang "lao theo". Tất cả những thứ ấy đã khiến phim Việt không còn sắc thái Việt, thiếu hơi thở cuộc sống đời thường nên việc khán giả quay lưng với phim Việt cũng là điều dễ hiểu.