Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung, trên cơ sở kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình 02 giai đoạn 2010 - 2015, trong giai đoạn này, huyện tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, với phương châm “làm đâu được đó”. Các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung của huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, như vùng trồng nhãn chín muộn, bưởi đường sớm cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng/ha, có vườn cho thu nhập trên 1 tỷ đồng; vùng trồng phật thủ cho thu nhập từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 39 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,57%.
|
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn thăm cơ sở chế tác đồ gỗ tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức. |
Về kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, đến hết năm 2016, 19/19 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM; 9/9 tiêu chí của huyện NTM Hoài Đức cũng đã hoàn thành, đang chờ phê duyệt huyện đạt chuẩn NTM. Có được kết quả trên, trong giai đoạn vừa qua, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình xây dựng NTM của huyện đạt trên 1.243 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đạt gần 210 tỷ đồng.
Đánh giá cao những kết quả huyện Hoài Đức đạt được trong xây dựng NTM, tuy nhiên các thành viên đoàn kiểm tra cho rằng huyện cần chú trọng hơn nữa đến bảo vệ môi trường, khớp nối hạ tầng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Hoài Đức phải chủ động nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng cán bộ chất lượng để khi từ xã lên phường, huyện lên quận không mất thời gian bỡ ngỡ.
Đồng tình với ý kiến các đại biểu, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phân tích, với tiến trình đô thị hóa nhanh như hiện nay, huyện Hoài Đức phải tính toán để những tiêu chí NTM không bị lạc hậu, lỗi thời. “Tiêu chí về hành chính thành quận có thể đạt được, nhưng những tiêu chí xã hội đạt được không hề dễ. Đừng để vỏ là quận rồi mà ruột vẫn là nông thôn”, đồng chí nói và cho rằng huyện cần tập trung xây dựng quy hoạch chất lượng hơn với tầm nhìn dài hơi, từ đó mới có thể thu hút đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Hiện nay, Hoài Đức vẫn còn thời gian, điều kiện để điều chỉnh nên phải thực hiện một cách kỹ lưỡng. Đơn cử như việc xây dựng các thiết chế công phục vụ đời sống dân sinh cần bố trí vào những vị trí thuận lợi, có thể triển khai sớm.
Với lợi thế là địa bàn ven đô, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng huyện phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, gắn kết được với khâu chế biến, tiêu thụ để sản xuất không rơi vào tình trạng “bấp bênh”. Cùng với đó, có các giải pháp bảo vệ môi trường, gắn phát triển làng nghề với du lịch, tăng thêm nguồn thu cho địa phương, nâng cao đời sống người dân.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng nhấn mạnh yêu cầu huyện tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 15 của Thành ủy về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng. “Trong quá trình phát triển, không thể tránh khỏi nảy sinh các vấn đề. Do đó, chúng ta phải nắm bắt tốt tình hình, quan tâm xem xét, giải quyết kịp thời, thấu đáo để tạo sự ổn định ngay từ cơ sở”, đồng chí nói.