Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu: Kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm PCCC

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Các đơn vị cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác chữa cháy và CNCH; đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ quan, đơn vị, địa bàn của mình… Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn về PCCC cần kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động…”

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) tổ chức sáng 9/10.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (ảnh: Đạt Lê)
Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện các Kế hoạch về công tác PCCC&CNCH của UBND TP do lãnh đạo Công an TP trình bày; các ý kiến phát biểu, tham luận của đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCCC&CNCH trên địa bàn TP vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập;
Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, việc xây dựng lực lượng PCCC và dân phòng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế, cả về hình thức hoạt động; cùng với đó là công tác tuyên truyền tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức, chưa tiếp cận đến các tầng lớp nhân dân...
Về mục tiêu trong thời gian tới, để công tác phòng ngừa cháy, nổ đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP yêu cầu các sở, ban - ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của thành ủy, HĐND, UBND TP để triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP. Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác PCCC tại đơn vị, địa phương mình; phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra, đôn đốc là yếu tố quyết định trong tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật PCCC.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về PCCC, bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, giúp cho người dân hiểu được vai trò công tác đảm bảo PCCC. Lực lượng công an PCCC cần phối hợp với chính quyền diễn tập cần thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả sát với những tình huống ngoài đời.
“Lực lượng PCCC cần chú ý các tình huống cháy nổ mà các phương tiện PCCC chuyên nghiệp khó tiếp cận. Tập trung việc đầu tư phương tiện, thiết bị, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nước, coi trọng vấn đề phòng ngừa trước hết...” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh.
Công an TP, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác PCCC; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo ANCT, TTATXH bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, các hoạt động ngoại giao diễn ra trên địa bàn TP.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP Hà Nội với vai trò nòng cốt, chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, CNCH. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC từ khâu thẩm duyệt thiết kế, kiểm định phương tiện, nghiệm thu về PCCC và trong suốt quá trình đưa công trình vào sử dụng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các đơn vị cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác chữa cháy và CNCH; đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ quan, đơn vị, địa bàn của mình. Với các quận huyện cần tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo đến thôn xã về PCCC, nhắc nhở bà con về thời điểm cháy nổ mùa hanh khô. 584 xã, phường cần tăng cường quản lý ở tổ dân phố, khu dân cư, xây dựng các mô hình điển hình về PCCC.
Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn về PCCC cần kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động. Đối với các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do thiếu tinh thần trách nhiệm và những trường hợp khác có dấu hiệu tội phạm, phải kịp thời khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.