Phố đi bộ: Không gian sáng tạo cộng đồng

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thí điểm từ sớm và cũng từng thất bại, để rồi sau 15 năm từ ý tưởng ban đầu Hà Nội đã có được những không gian đi bộ đúng nghĩa. Khách du lịch đến với không gian đi bộ xung quanh Hồ Gươm hay không gian văn hóa bích họa Phùng Hưng không chỉ để thỏa mãn sự thích thú khi được đi bộ dưới đường phố trung tâm Thủ đô mà còn bị níu chân bởi các chương trình văn hóa vừa mang tính đặc trưng vùng miền, vừa mang tính quốc tế.

Du khách tản bộ trên phố Tràng Tiền dịp cuối tuần. Ảnh: Phạm Hùng
Điểm hẹn văn hóa
Từ năm 2004, UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân. Vào mỗi tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật, nơi đây cấm xe cơ giới để dành đường cho người đi bộ nhưng cố mãi thì kết quả vẫn chỉ giống một cái chợ. Không hơn không kém.
Phải đến năm 2016, khi không gian đi bộ quanh Hồ Gươm được tổ chức thí điểm thì không gian đi bộ đúng nghĩa (đi bộ và thưởng thức văn hóa nghệ thuật) của Thủ đô mới trở thành hiện thực. Từ 18 giờ thứ Sáu đến 23 giờ Chủ nhật hàng tuần, hàng nghìn người dân Hà Nội, du khách quốc tế được thả bộ thong dong trên các con phố Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng rồi tiến đến Hàng Ngang, Hàng Đào, khu vực trước cổng chợ Đông Xuân…
Trong không gian đó du khách có thể ghé chân đến tượng đài vua Lý nghe các chương trình âm nhạc về Hà Nội, hay qua tượng đài vua Lê nghe làn điệu xẩm đường phố. Hoặc du khách cũng có thể dừng chân trước bức phù điêu mùa Xuân 1946 để nghe quan họ, ca trù… Khách đến từ bốn phương, nhưng đến với phố đi bộ là có thể nắm tay kết tình bằng hữu để cùng giao lưu trong khúc nhạc guitar mộc mạc của các nhóm nhạc cộng đồng. Họ cũng có thể cùng nhảy dây, chơi ô ăn quan…
3 năm thử nghiệm không gian đi bộ Hồ Gươm, những con số biết nói trong hàng trăm chương trình sự kiện, văn hóa nghệ thuật; hàng chục triệu lượt du khách là thành quả đáng kể nhất để đánh giá về không gian này.
Muốn phố đi bộ vận hành và phát triển tốt, Ban Quản lý phải tạo ra được một thực thể sống động, một không gian mở về văn hóa, gắn với 36 phố phường Hà Nội cổ xưa. Các tuyến phố đi bộ cần được tăng cường hàm lượng khoa học và hàm lượng tri thức cho công chúng. Nếu xây dựng được những tour du lịch nhỏ và hệ thống sơ đồ thông tin hữu ích về văn hóa, lịch sử của từng tuyến phố, từng rạp hát, bảo tàng, công trình kiến trúc với những dấu mốc thời gian… thì sẽ tạo được sự kết nối và bền vững…
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn phát huy di sản văn hóa Việt Nam
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong khẳng định: “Sau 3 năm thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, đã tạo dựng được một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô; từng bước hình thành không gian sáng tạo cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước. Không gian này đã trở thành địa điểm tổ chức hàng trăm sự kiện và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng ấn tượng”.
Bởi vì, phố đi bộ Hồ Gươm không chỉ còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của Hà Nội, mà còn là nơi để tỉnh Tây Ninh đưa đờn ca tài tử, tỉnh Yên Bái đưa nghệ thuật xòe Thái, người Tuyên Quang mang nghi lễ cấp sắc, đám cưới dân tộc Dao Đỏ; múa khai lộ, múa khai đèn, múa chim gâu dân tộc Cao Lan… về giới thiệu đến người dân Thủ đô và du khách quốc tế.
Những sự kiện chương trình nghệ thuật đỉnh cao như hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert do những nhạc công hàng đầu thế giới hòa âm - dàn nhạc giao hưởng London Symophony Orchestra (LSO) thực hiện bên Hồ Gươm hay những carnival của Đức, Italia hoặc Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản đã khiến nơi đây trở thành điểm hẹn văn hóa của Việt Nam và thế giới. Để rồi, về đến Hà Nội không thể không đến với không gian đi bộ Hồ Gươm, cũng không thể bỏ qua cách trải nghiệm thảnh thơi dạo bộ, lang thang thưởng thức ẩm thực Hà thành.
Biểu diễn nghệ thuật trên phố Đinh Tiên Hoàng dịp cuối tuần. Ảnh: Công Hùng
Mở rộng trong tương lai gần
Từ thành công của phố đi bộ quanh Hồ Gươm, Hà Nội đang tiếp tục thí điểm mở rộng các không gian đi bộ khác, kéo dài ra khu vực phố Đinh Liệt, Cầu Gỗ, Hàng Dầu. Kết nối không gian bích họa Phùng Hưng với 36 phố phường, thành một không gian đi bộ quanh phố cổ. Cho đến nay, không gian bích họa Phùng Hưng mặc dù chưa trở thành không gian đi bộ nhưng với việc thí điểm ngăn đường, tạo sự kiện vào các dịp Tết Âm lịch, Ngày Giải phóng miền Nam, Tết Trung thu, Ngày Giải phóng Thủ đô…, thì nơi đây không chỉ đơn thuần để du khách check in chụp ảnh, mà còn để trải nghiệm văn hóa.
Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết: Đơn vị sẽ thí điểm tái tạo không gian văn hóa theo từng chủ đề của từng sự kiện giúp người dân cũng như du khách vừa đi bộ check in, vừa cảm nhận nét đắc sắc của văn hóa đường phố khu phố cổ.
Việc tổ chức tuyến phố đi bộ tại Hà Nội được khẳng định là phù hợp với xu hướng của quy hoạch đô thị hiện đại trên thế giới, đáp ứng nhu cầu không gian công cộng của Thủ đô giai đoạn hiện nay.
KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội
Để hiện thực hóa chủ trương này, UBND TP đã giao cho UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành nghiên cứu hoàn chỉnh phương án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm (trước mắt tại các phố Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên).
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Việc mở rộng không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, kết nối với các khu phố xung quanh sẽ tạo ra văn hóa đi bộ trong cộng đồng cư dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. “Tôi sinh ra và lớn lên ở phố cổ và thấy rằng người ở phố bây giờ rất lười đi bộ. Ngay ra đầu phố mua cọng hành cũng phải đi xe máy. Như thế vô hình trung làm cho phố cổ vốn đã chật lại càng thêm chội. Rồi tiếng ồn, ô nhiễm cũng từ đó mà ra” - nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng bày tỏ.
Bên cạnh việc tạo thói quen cho người dân Thủ đô, điều quan trọng hơn cả là không gian đi bộ đó sẽ thành điểm đến, kết nối các công trình di sản văn hóa quanh Hồ Gươm như: Bảo tàng Lịch sử, Nhà hát Lớn Hà Nội; xa hơn là Bảo tàng Mỹ thuật, Quảng trường Ba Đình, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Hà Nội chủ trương sẽ còn mở rộng nhiều tuyến phố đi bộ ở các quận, huyện, thị xã. Với chức năng không chỉ là tuyến phố đi bộ, việc xây dựng không gian đi bộ sẽ tạo ra những giá trị vừa mang tính kế thừa truyền thống, vừa đảm bảo tiêu chí TP văn minh đô thị mà thế giới đang hướng đến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần