Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về nợ xấu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đề xuất vay tiền nước ngoài, hay tận dụng dự trữ ngoại hối đang ở trong trạng thái tốt để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu đều phải cân nhắc.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 đang được tổ chức ở Ninh Bình, nhận được chia sẻ từ các chuyên gia về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, các đề xuất vay tiền nước ngoài, hay tận dụng dự trữ ngoại hối đang ở trong trạng thái tốt để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu đều phải cân nhắc.

 
Các giải pháp giải quyết nợ xấu được các đại biểu thảo luận kỹ tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014. Ảnh: VGP/Thành Chung
Các giải pháp giải quyết nợ xấu được các đại biểu thảo luận kỹ tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014. Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thống đốc Hồng đặt câu hỏi: Có ý kiến nói, vay nước ngoài để xử lý nợ xấu, nhưng nợ công đang cao thì vay có phù hợp không? Cũng có ý kiến cho rằng, dự trữ ngoại hối đang cao có thể mang ra sử dụng (mua nợ xấu), nhưng dự trữ này rất cần cho tương lai.  

Bà Hồng cho biết, khi xử lý nợ xấu, NHNN đã đánh giá, rà soát tất cả những nguyên nhân gây ra nợ xấu. Từ nguyên nhân của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tới nguyên nhân ở cơ chế, chính sách... Trên sơ cở đó ngành NH đã hoàn thiện hành lang pháp lý và trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, tích cực thu hồi nợ; kiềm chế gia tăng nợ xấu khi cho vay trong thời gian tới.

“Vừa qua, Thông tư 02 có hiệu lực tạo ra bước tiến mới về phân loại nợ xấu theo tiêu chuẩn cao hơn và được đánh giá là chặt chẽ hơn. Chính vì thế số nợ xấu đến cuối tháng 7/2014 chiếm 4,11% tổng dư nợ, có giảm so với con số 4,16% vào cuối năm 2013, nhưng cao hơn một chút so với cùng kỳ”, bà Hồng cập nhật về con số nợ xấu.

Sở dĩ nợ xấu tăng hơn cùng kỳ là do Thông tư 02 quy định phạm vi phân loại nợ xấu có thêm những khoản như trái phiếu doanh nghiệp (cũng tương tự như nợ xấu). Hơn nữa, trong số dư nợ cũng có rất nhiều khoản dư nợ cho vay trung-dài hạn và khi đến hạn trả mà các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì sẽ làm tăng nợ xấu.

Tuy nhiên, Thông tư 02 vẫn cho phép tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu đối với các khoản theo Quyết định 780/2012/QĐ-TTg, nhưng yêu cầu phải có quy trình kiểm soát chặt chẽ để tránh các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.  Do vậy, theo bà Hồng, nợ xấu có thể tăng lên ở giai đoạn này, nhưng sẽ giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong tương lai.

Đối với Công ty mua bán nợ VAMC, sau hơn 1 năm thành lập, Công ty đã mua được 74.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có cơ cấu lại nợ, giảm lãi cho khách hàng và có những khoản nợ bán được.

Nói về trách nhiệm xử lý nợ xấu, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, NHNN không chỉ xử lý nợ xấu mà còn phải kiểm soát hệ thống, đảm bảo an toàn vĩ mô và xử lý nhiều “gánh nặng” chính sách khác như tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, hay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho bất động sản cần hỗ trợ tái cấp vốn của Nhà nước.