Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cần nhanh, thực chất hơn

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện nhanh, quyết liệt và thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh; thúc đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử..."- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX 2019) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019) sáng nay (19/5), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình- Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ biểu dương sự nỗ lực của các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh, TP trong triển khai xác định 2 chỉ số này và khẳng định: Kết quả 2 chỉ số năm 2019 cho thấy, công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm với nhiều nghị quyết, chỉ thị về CCHC đã được ban hành, chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương, các thành viên BCĐ CCHC của Chính phủ đã chỉ động tham mưu cho Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, mô hình CCHC mới và sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển KT-XH của đất nước.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, coi đây là một trong những tiền đề, nền tảng quan trọng thúc đẩy triển khai các nội dung cải cách. Nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử đạt nhiều kết quả tích cực tại nhiều bộ, ngành, địa phương và đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của người dân, DN, đặc biệt những yêu cầu cấp thiết liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém trong công tác này cần khắc phục ngay. Đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa coi công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, lãnh đạo chưa thể hiện vai trò trách nhiệm đúng mực trong thúc đẩy cải cách. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn tồn tại nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm; cải cách TTHC cũng còn nhiều tồn tại trong thực hiện các nội dung công bố, công khai TTHC và công khai kết quả giải quyế hồ sơ hành chính; một số nơi chưa thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy… Đồng thời, việc triển khai xây dựng và duy trì Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống một cửa điện tử, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường mạng của các bộ, ngành, địa phương còn chậm.
Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, căn cứ kết quả 2 chỉ số này năm 2019, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ T.Ư đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác CCHC, đổi mới tư duy nhận thức và coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển KT-XH đất nước. Cùng đó, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tốt việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; phấn đấu hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% giai đoạn 2015-2021 theo Nghị quyết 39-NQ/TW.
“Đặc biệt, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện nhanh, quyết liệt và thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, thúc đẩy mạnh việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ các TTHC thiết yếu cho người dân, DN cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia góp phần hỗ trợ khắc phục hậu quả của đại dịch” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, và cũng đề nghị: Sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của năm 2020 tạo tiền đề và sức bật cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước.