Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Hỗ trợ kịp thời các địa phương tái thiết sau bão lũ
Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Hỗ trợ kịp thời các địa phương tái thiết sau bão lũ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị Công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, đại diện nhiều bộ, ban ngành.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, mưa lũ những ngày qua đã khiến ít nhất 91 người chết, 23 người hiện còn đang mất tích (trong đó, tỉnh Khánh Hòa thương vong lớn nhất với 44 người, tiếp đến là tỉnh Quảng Nam 20 người…). 1.486 nhà bị sập, đổ. 119.361 tốc mái. 1.294 tàu thuyền bị hư hỏng, cùng gần 50.000ha cây trồng, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…

Tập trung cao độ cho công tác cứu trợ

Theo Thứ tưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công: Đường Hồ Chí Minh hiện còn tắc 2 điểm tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. QL49B còn tắc nghẽn tại Thừa Thiên Huế. QL27C tắc đường ở Lâm Đồng. Tuyến đường sắt qua Đèo Cả còn tắc một số điểm, dự kiến phải đến hết hôm nay mới thông tuyến. Đang phối hợp với các cơ quan liên quan trục vớt tàu chìm. Thiệt hại nặng nề tại Bình Định do ban đầu xác định từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận, tàu từ phía Bắc vào sẽ vào phao số 0 Cảng Quy Nhơn. Phao này là truyền thống neo đậu bao đời nay. Đây là vấn đề dự báo... Kiến nghị sớm giải quyết bảo hiểm cho ngư dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, đã chỉ đạo các quân khu lập các sở chỉ huy, tập trung hỗ trợ người dân tìm kiếm người còn đang mất tích và giúp dân. Riêng ngày 8/11, đã huy động hơn 18.000 người, 204 phương tiện thuộc Quân khu 4 và 5 dựng lại nhà được cho trên 26.000 hộ dân, dọn dẹp trên 40km đường giao thông…

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Thành thông tin tới hội nghị, hệ thống điện 220KV còn 1/5 cột truyền tải điện từ Nhà máy điện Sông Tranh (đang ngừng phát điện) ở Bắc Trà My (Quảng Nam) còn đổ, đang phải dựng cột tạm, dự kiến 16/11 mới có thể đóng điện. Đến nay đã cơ bản khôi phục hệ thống lưới điện. Hiện, tỉnh Khánh Hòa còn 3 trạm biện áp 110KV (trong hôm nay sẽ cố gắng đóng 2 trạm) chưa khôi phục xong. Các tỉnh Phú Yên đã cấp điện lại cho 95%; tỉnh Khánh Hòa sẽ cấp điện lại cho 90% người dân trong hôm nay.

Trung tướng Phạm Quang Cử - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) cho biết, đã hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa 1 tỷ đồng. Hai tỉnh Bình Định và Phú Yên - mỗi tỉnh 500 triệu đồng. Liên quan đến thiệt hại lớn về người và tài sản, quan điểm của Trung tướng Cử là do người dân vẫn chủ quan, chưa hình dung được mức độ nghiêm trọng của bão. Tàu thuyền thiệt hại rất lớn, do neo đậu chưa tốt. Bất cập hiện nay là Luật Phòng chống thiên tai chưa có quy định cưỡng chế người dân khỏi vùng thiên tai.

Trong khi đó, Bộ Y tế đã cấp phát 120 cơ số thuốc, 300 áo phao và 600.000 viên Cloramin B. Hiện, 4 đoàn cục vụ phòng đang trực tiếp xuống địa bàn để hỗ trợ.

Đại diện Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, đã ứng kinh phí hỗ trợ 5,5 tỷ đồng, trong đó, các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam - mỗi tỉnh 1 tỷ đồng, các tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Lâm Đồng - mỗi tỉnh 500 triệu đồng. 1.486 căn nhà bị sập đổ sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng/căn trên cơ sở kinh phí kêu gọi của cả nước… Đến sáng nay, các tỉnh đã hỗ trợ 8.516 hộ vùng lũ trở lại nơi ở. Thừa Thiên Huế và Quảng nam đã tổ chức tiếp nhận hàng cứu trợ là 105 máy lọc nước của Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản.

Sớm ổn định đời sống người dân vùng lũ

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, 5.000 lực lượng Quân khu 5 đã được điều động về hỗ trợ người dân tỉnh Khánh Hòa nhưng khối lượng còn lớn, đề nghị chi viện thêm lực lượng. Tổ chức trục vớt tàu bị chìm tại Cảng Quy Nhơn, bảo đảm không để dầu tràn lan rộng. Bộ Công an: Tiếp tục hướng dẫn chỉ đạo các địa phương ổn định đời sống, chính trị - xã hội. Kiểm soát thông tin thất thiệt (như trường hợp vợ hồ thủy điện Bắc Trà My).

Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung khôi phục lưới điện, nhất là tại huyện Vạn Ninh (16 xã), huyện Ninh Hòa (16 xã), TP Nha Trang (13 xã) thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cần bố trí lực lượng linh động để khắc phục sớm.

Bộ Công Thương tổng rà soát hiện trạng, vận hành các hồ chứa thủy điện. Phối hợp chặt chẽ không để xảy ra xáo trộn về giá cả nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng, không khiến cuộc sống bà con vùng lũ thêm phần khó khăn. Bộ GTVT sớm khắc phục sự cố đường giao thông, chỉ đạo Sở GTVT các tỉnh bảo đảm an toàn các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Cảng vụ Quy Nhơn trục vớt bảo đảm an toàn và không để sự cố tràn dầu. Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo các giải pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, cơ số thuốc dự phòng sau mưa lũ… Bộ LĐTB&XH khẩn tương thống nhất mức hỗ trợ để kịp thời cấp phát nhu yếu phẩm cho người dân các địa phương. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cơ sở làm thủ tục khoanh nợ, giãn nợ, bố trí vốn vay cho người dân vùng lũ sớm ổn định việc sản xuất sau mưa lũ…

Ghi nhận nỗ lực thời gian qua của các địa phương trong ứng phó khắc phục hâu quả bão lũ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ ngành, các địa phương cần tiếp tục tập trung cao độ hỗ trợ người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường; các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ cử các đoàn công tác về các địa phương hỗ trợ người dân. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tập trung tìm kiếm người còn mất tích. Bộ GTVT tổ chức hướng dẫn người dân qua lại các khu vực ngầm tràn, đường ngập nước. Hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện…

Liên quan tới vấn đề hồ đập thủy điện, thủy lợi, cần theo dõi sát diễn biến, chủ động phối hợp, vận hành an toàn; Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố. Cùng với hỗ trợ của các bộ ngành, các địa phương cần chủ động với phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trên địa bàn vùng lũ đi qua vượt qua khó khăn. Không để người dân nào thiếu đói, thiếu nước uống, thiếu thuôc men…

Riêng với lương thực, nước uống, cần bao nhiêu thì cấp bấy nhiêu cho người dân. Tranh thủ những ngày tới nước rút, hướng dẫn người dân trở lại nơi ở, tu sửa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh… Phó Thủ tướng yêu cầu rút kinh nghiệm, khi xảy ra thiên tai, chính quyền phải sâu sát hơn với dân, kịp thời động viên bà con trong bão lũ. Chia sẻ trước mất mát, thiệt hại của bà con vùng lũ, Phó Thủ tướng mong muốn người dân bằng nghị lực và ý chí vươn lên, cùng hỗ trợ của T.Ư, địa phương sẽ sớm vượt qua khó khăn trước mắt.