Nhận định trên đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) vừa diễn ra sáng nay (16/12) tại Hà Nội. Với chủ đề "Kết nối và hợp tác", diễn đàn là nơi để các bộ, ban, ngành và DN cùng ngồi lại nhằm tìm giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử trong nhu cầu tiêu dùng của người Việt.
Phó Thủ tướng nhận định, thương mại điện tử ở Việt Nam đang có những bước phát triển rất nhanh tại Việt Nam trong những năm vừa qua. Mặc dù lượng giao dịch qua mạng hàng năm đều tăng cao nhưng đi kèm với đó phương thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm đa số, vào khoảng 65%.
Vậy thanh toán điện tử có thực sự mang lại lợi ích không? Phó Thủ tướng đặt câu hỏi. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng đây là phương thức thanh toán chính, thậm chí ở nhiều nước phát triển thanh toán điện tử chiếm tới gần 90%, tổng mức thanh toán theo phương thức này đã giúp GDP tăng tới 1%, Phó Thủ tướng nói.
Ở Việt Nam, mặc dù điều kiện kỹ thuật đã sẵn sàng và Chính phủ đã đề ra mục tiêu phát triển thanh toán điện tử từ lâu nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc thói quen của người tiêu dùng chưa thay đổi, vẫn thích sử dụng tiền mặt nhiều hơn, Phó Thủ tướng lý giải.
Chính vì vậy cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa giữa Chính phủ và DN nhằm tạo ra các cơ chế khuyến khích người tiêu dùng giảm thanh toán bằng tiền mặt, thay vào đó là chuyển qua thanh toán điện tử. Cơ chế này không chỉ đến từ giải pháp công nghệ, hạ giá dịch vụ mà quan trọng nhất là thay đổi thói quen của người tiêu dùng, Phó Thủ tướng đưa ra giải pháp.
Việc thanh toán bằng tiền mặt lớn sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, thay đổi thói quen này sẽ giúp Việt Nam phát triển hơn, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá về mức độ phát triển của đất nước, Phó Thủ tướng khẳng định.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương quan trọng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có mong muốn mở rộng hợp tác với các bộ, ngành, DN nhằm thúc đẩy nhanh phương thức này trong nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Còn ông Trần Tuấn Anh- Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng thanh toán điện tử, phương thức này đang tăng trưởng ở mức 2 con số tại nhiều quốc gia phát triển. Chính sách cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam đang rất rõ ràng, chính vì vậy việc thúc đẩy thanh toán điện tử là hoàn toàn có thể làm được, việc này sẽ giúp ngành bán lẻ trong nước phát triển đúng với tiềm năng vốn có.
Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ về cơ chế, chính sách, Bộ Công thương đang trong quá trình phát triển Cổng thanh toán thương mại điện tử quốc gia với mục đích đẩy mạnh thanh toán điện tử vào đời sống tiêu dùng. Ngoài ra, Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 nhằm định hướng phát triển cho lĩnh vực thương mại điện tử cũng đang được xây dựng, Thứ trưởng chia sẻ.
Được biết, tại VEPF lần này, sẽ diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận ghi nhớ liên bộ về “Chương trình hành động thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ”, giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, năm 2014, thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch mua hàng trực tuyến, tiền mặt (COD) vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay, chiếm 64% trong khi doanh số mua hàng trực tuyến của người Việt ước tính khoảng gần 4 tỷ USD
Hiệp hội Thẻ ngân hàng cho biết, hết năm 2014, cả nước đã có gần 170.000 máy chấp nhận thanh toán (POS) được lắp đặt trên toàn quốc, tăng 1.330% so với năm 2006.
Tuy nhiên, giá trị giao dịch thanh toán qua POS lại tăng chậm hơn và hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với rút tiền mặt tại ATM. Cuối năm 2014, doanh số rút tiền mặt tại ATM lên đến gần 1,1 triệu tỷ đồng, trong khi phần thanh toán qua POS chỉ hơn 106.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ về thanh toán điện tử
|