Đến dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những kết quả ngành giáo dục đạt được trong năm học vừa qua, có những tiến bộ đáng mừng. Năm qua, ngành giáo dục đạt dấu mốc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS và hướng tới THPT. "Chúng ta xây dựng được chương trình (CT) tổng thể của giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29, bây giờ soạn CT đợt 1 là cơ sở để làm sách giáo khoa (SGK). Kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ kết hợp với tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng", Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói .
Theo Phó Thủ tướng, quản lý Nhà nước của Bộ có bước tiến bộ. Điều này thể hiện ở việc đã có nhiều văn bản chỉ đạo giảm bớt được những kỳ thi và hoạt động không cần thiết. Và, dần dần làm rõ những bất cập từ nhiều năm trước dồn lại.
“Chúng ta rất cảm động trong lúc khó khăn nhưng nhiều tấm gương thầy cô giáo đi đến tận nơi thuyết phục các em đi học; các cháu mù chữ đến trường và những hành động hết sức nhân văn. Có em học sinh hy sinh cả bản thân mình để cứu các bạn...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra 5 bất cập của ngành giáo dục trong năm học vừa qua. Thứ nhất, quản lý Nhà nước, quản trị đại học (ĐH) cũng như trong các trường phổ thông, mầm non còn có nhiều quy định cứng nhắc, đồng loạt, “cầm tay chỉ việc”. Các trường ĐH được tự chủ, ưu tiên cấp học bổng cho sinh viên nghèo nhưng Bộ GD&ĐT vẫn giữ quy định 80% cấp học bổng cho học sinh giỏi từ trên xuống. Vẫn còn không ít các hoạt động, kỳ thi, tiêu chuẩn, quy chuẩn mang đậm hình thức chưa thực sự vì học sinh.
Bất cập thứ hai được Phó Thủ tướng chỉ ra là việc làm CT, SGK còn chậm, đặc biệt về tinh thần đổi mới thấm xuống bên dưới. Mặc dù chúng ta đã chú ý đến giáo dục toàn diện nhưng phải làm mạnh mẽ hơn nữa.
Một hiện tượng nữa đã có từ lâu nhưng bây giờ được cả xã hội quan tâm đó là câu chuyện thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở địa phương. Đặc biệt, giáo viên mầm non và tiểu học còn rất thiếu. “Chúng ta thiếu 20.000 giáo viên mầm non, trong khi đó giáo viên thừa, Bộ GD&ĐT ngại đụng đến và không bồi dưỡng để chuyển đổi”, Phó Thủ tướng chỉ ra tồn tại.
Từ những bất cập trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra 9 vấn đề, đây cũng là yêu cầu Bộ GD&ĐT cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Từ các cấp học, đặc biệt mẫu giáo đến tiểu học, phải quan tâm đến dạy người. Phải làm mạnh mẽ và thực chất hơn nữa, kết hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên để giáo dục sao cho thực chất. Chúng ta dạy con người rất nhân văn, đầu tiên từ những thứ luân thường đạo lý rất cơ bản. “Chúng ta khai mở trí tuệ cho các cháu. Giáo dục những cái rất thiết thực từ yêu bố mẹ, người thân, làng xóm, đất nước thì mới tới ý thức công dân toàn cầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và kêu gọi các bậc phụ huynh học sinh, nhất là cấp 1 nên tăng cường tham gia và chia sẻ với giáo viên. Cũng như coi các thầy cô ở trường rèn dạy con mình giống như cha mẹ ở nhà có nghiêm khắc.
Về phía Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng đề nghị phát huy tinh thần sáng tạo, bãi bỏ những quy định cứng nhắc theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, không phát huy được chủ động sáng tạo từ bên dưới, đặc biệt các quy định có tính hình thức, các loại tiêu chuẩn. “Chúng ta yêu nước thì phải thi đua. Chúng ta không được bỏ các phong trào thi đua, thậm chí phải làm mạnh hơn”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Nói về chuẩn xây dựng trường học, Phó Thủ tướng chỉ ra thực tế: “Tôi đã từng đi đến những nơi rất xa như miền núi, đại ngàn nhưng khu vệ sinh của nhà trường lại xây khép kín, nước không có. Tất cả những thứ đó xuất phát từ chuẩn áp từ trên xuống. Chúng ta phải bỏ cái này”.
"Tự chủ ĐH phải theo đúng nghĩa. Tự chủ không chỉ là trường với Bộ chủ quản, mà xuống đến từng bộ môn, từng giáo viên. Bộ GD&ĐT với vai quản lý Nhà nước cần bãi bỏ những quy định cứng nhắc. Vai thứ hai, Bộ có mấy chục trường đang chủ quản. Bộ hơn ai hết xóa bỏ chủ quản và làm trước đi. Còn vai quản lý Nhà nước, sao cho bớt quy định quá cụ thể.... Đối với trường phổ thông, Bộ khẩn trương hoàn thiện nghị định quản lý trường để phát huy dân chủ, sáng tạo trong các cơ sở", Phó Thủ tướng đề nghị.
Theo Phó Thủ tướng, với lãnh đạo các tỉnh, không vì lý do không có trường, lớp đạt tiêu chuẩn mà lùi thực hiện CT, SGK mới. Các sở GD&ĐT cần nắm lại tình hình, trình ra UBND, HĐND những việc làm cần thiết về cơ sở, giáo viên, biên chế giáo viên thuộc tỉnh để có bước chuẩn bị tích cực nhất. Với Bộ GD&ĐT chúng ta đổi mới làm một lần, áp dụng nhiều năm cho nên chất lượng trên hết.
“Chúng ta làm với tinh thần khẩn trương nhưng nếu chưa thấy yên tâm thì báo cáo các cơ quan chức năng điều chỉnh tiến độ. Tinh thần là khẩn trương nhưng phải chất lượng. Nhưng, rõ ràng tinh thần CT mới đã có rồi, các đồng chí qua tập huấn phải lan xuống bên dưới. Và ngay bây giờ các giáo viên phải mang tinh thần đổi mới vào dạy ở CT cũ của mình. Đó là sự cần thiết nhất”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.