Ngày 28/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2016.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trình bày dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Phó Thủ tướng cho biết thay vì ban hành vào tháng 3-4 hàng năm, năm nay Nghị quyết 19 được ban hành ngay từ đầu năm, lần đầu tiên được đưa vào bàn trong hội nghị Chính phủ với các địa phương để các bộ, ngành cùng địa phương cùng nhau hiểu và cùng vào cuộc để tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nghị quyết được xây dựng dựa trên báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tổ chức minh bạch quốc tế, báo cáo sáng tạo do cơ quan của LHQ về sở hữu trí tuệ chủ trì và một số báo cáo ở trong nước… qua đó, đặt ra cách nhìn phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của cộng đồng DN.
Qua các đồ thị trình bày tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết một loạt chỉ số về môi trường kinh doanh cho thấy Việt Nam ở mức trung bình. Chỉ số tốt nhất đứng thứ 60 và có những chỉ số đứng thứ 116-120.
Nói về môi trường kinh doanh do WB đánh giá, xếp hạng qua 3 năm Việt Nam thực hiện Nghị quyết 19 (2014-2016), Phó Thủ tướng cho biết trong 10 nhóm chỉ số có đến 41 chỉ tiêu cụ thể để đánh giá điểm.
Việt Nam hiện xếp hạng thứ 82, có những thủ tục rất tốt như cấp phép xây dựng đứng thứ 24, nhưng khởi sự kinh doanh đứng thứ 121, đặc biệt thuế, bảo hiểm dù đã cải tiến rất nhiều nhưng vẫn đứng 167, giải quyết tranh chấp, phá sản là 125.
Còn báo cáo của WEF về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu chia làm 3 trụ cột với 12 nhóm tiêu chí và 114 tiêu chí cụ thể.
So sánh tương quan với các nước ASEAN về môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu đạt mức trung bình của ASEAN-4 thì Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện các chỉ số cụ thể.
‘Hiện nay chúng ta xếp thứ 82, để lọt vào trung bình ASEAN-6, có tính cả Singapore, thì chúng ta phải tiến tới vị trí 56, còn nếu muốn lọt vào trung bình ASEAN-4 thì chúng ta phải đứng thứ 43 trên thế giới”.
Nêu một số ví dụ về việc cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh nhiều người thường nghĩ là của Bộ KH&ĐT, đổi mới sáng tạo thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN hay cấp phép xây dựng thuộc Bộ Xây dựng… Phó Thủ tướng cho biết, có rất nhiều chỉ tiêu cụ thể trong từng chỉ số là của các bộ, ngành khác.
Ví dụ, trong khởi sự kinh doanh, Việt Nam hiện đứng 121, có tới 9 nhóm tiêu chí cụ thể liên quan đến Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công an. Ví dụ thứ hai là cấp phép xây dựng đứng 24/190 nhưng vẫn còn 166 ngày và nếu cải tiến sẽ tốt hơn, thì còn liên quan đến Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng…
Theo Phó Thủ tướng, có tới 80% nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 cần sự phối hợp liên ngành vì vậy rất cần làm rõ phần việc, trách nhiệm của từng bộ, ngành trong từng chỉ tiêu, chỉ số về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết 19 trong 3 năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm đầu tiên Nghị quyết đề ra 50 nhóm giải pháp, nhiệm vụ, thực hiện được 8, đang thực hiện 17 giải pháp chưa có kết quả rõ ràng. Năm 2015 có 73 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đã thực hiện được 44%, đang thực hiện 23% và chưa thực hiện 23%. Năm 2016 có tới 83 nhóm giải pháp, nhiệm vụ, đã thực hiện được 42% nhưng mới qua 8 tháng và nếu tính đủ 1 năm nhưng những năm trước đây thì tỷ lệ đã thực hiện sẽ vượt 30% so với các năm trước.
“Nghị quyết năm nay đưa ra trên 250 nhóm giải pháp, nhiệm vụ với tinh thần càng cụ thể, càng tốt, giao cho từng bộ, ngành, địa phương”, Phó Thủ tướng nói.
Về tổ chức thực hiện Nghị quyết, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Với trách nhiệm được giao làm đầu mối, các Bộ: KH&ĐT (cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh), KH&CN (đổi mới sáng tạo), Thông tin và Truyền thông (thực hiện Chính phủ điện tử) phải có tập huấn phổ biến sâu cho sở, ngành bên dưới để cùng vào cuộc. Các bộ, ngành cố gắng sửa thông tư, quy định nhưng quan trọng nhất là thực thi của địa phương bởi “ra văn bản nhưng không nghiêm túc vào cuộc thì rất khó”.
Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế, giám sát, đánh giá độc lập; huy động các hiệp hội, DN, chuyên gia, nhà khoa học... tổ chức các đoàn giám sát thực tế, hội nghị đối thoại với DN, đặc biệt tăng cường đầu mối tiếp nhận kiến nghị của DN của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, của Bộ KH&ĐT.
“Ở đây có câu chuyện rất thật là DN có nhiều bức xúc nhưng ngại kiến nghị, phản ánh vì sợ lộ danh tính, bị định kiến của cán bộ tại chỗ. Vì vậy cần có cơ chế để tiếp thu kiến nghị nhưng giữ kín danh tính của DN ở bên dưới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Theo Phó thủ tướng, việc thực hiện Nghị quyết cần có cơ chế đánh giá thường niên kết hợp với việc thực hiện chương trình phát triển bền vững, Báo cáo Việt Nam 2035.
Phó Thủ tướng nói: "Trong Nghị quyết 19 nếu chúng ta để ý và thực hiện tốt thì luôn gắn sát với những điểm mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, chỉ đạo. Cụ thể như để thực hiện thông điệp phát triển mạnh mẽ DN, phấn đấu có 1 triệu DN vào năm 2020 thì tất cả các thủ tục liên quan đến khởi sự DN chúng ta sẽ quyết tâm làm".
Để thực hiện mục tiêu quốc gia khởi nghiệp, cần nâng tỷ lệ DN khởi nghiệp sáng tạo từ 0,5% hiện nay lên 5-10% tổng số DN, bằng cơ chế hỗ trợ tối đa về hạ tầng công nghệ, truyền thông, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm...