Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 3 tỉnh miền Tây

HỒNG LĨNH - HỒNG DUY - GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác có chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Mở lại hoạt động tại các “vùng xanh” phải chắc chắn, an toàn

Tại Đồng Tháp, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh này cho biết, tính đến ngày 16/9, địa phương ghi nhận 8.051 ca mắc Covid-19, số bệnh nhân đang điều trị là 1.062; số xuất viện 6.793; 191 ca tử vong có liên quan Covid-19 (tỷ lệ 2,37%).

Hiện 4/12 huyện/thành phố của tỉnh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; 8 huyện/thành phố còn lại thực hiện Chỉ thị 15 ở mức cao. Đồng Tháp hiện còn ở mức “nguy cơ rất cao” do có từ 50% địa phương cấp huyện ở mức “nguy cơ cao” trở lên.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ 500.000 liều vaccine phòng Covid-19 trong tháng 9/2021; Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể các tiêu chí theo Quyết định 3989/QĐ-BYT, đặc biệt là các tiêu chí xác định chuỗi, chùm ca mắc ngoài cộng đồng, đánh giá nhóm tiêu chí nguy cơ; hướng dẫn về việc quản lý các trường hợp F0 xuất viện tái dương tính được phát hiện khi tầm soát trong cộng đồng…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, kiểm tra tại cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 khu ký túc xá phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: V.K 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Đồng Tháp tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng số ca mắc trong khu cách ly, khu phong tỏa chiếm tỷ lệ cao; tỷ lệ tử vong có liên quan Covid-19 còn khá cao. Đây là những hạn chế mà địa phương cần sớm khắc phục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, so với các tỉnh/thành khác trong khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp là địa phương phát hiện ca mắc sớm, thời gian chống dịch kéo dài và rất vất vả. Nhưng tình hình đang dần tốt lên, số ca mắc Covid-19 tại Đồng Tháp có xu hướng giảm dần, đặc biệt là trong cộng đồng.

Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian tới tỉnh phải tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch, giảm sâu tỷ lệ tử vong; tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tầm soát và tách F0; kiểm tra chặt chẽ người từ vùng dịch về, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an “đi từ ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, yêu cầu tất cả người về từ vùng dịch phải khai báo; tuyệt đối không để phát sinh ổ dịch mới.

Đối với các khu vực phong tỏa, cần sáng tạo hơn trong công tác xét nghiệm; phải khoanh hẹp nhất có thể, thần tốc truy vết. Cần tập trung xét nghiệm bằng test nhanh trong 5 ngày đầu, nhiều lần, để tách thật sạch F0 ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất và triệt để.

“Thận trọng, dần mở lại hoạt động tại các “vùng xanh” phải chắc chắn, an toàn. Tinh thần chung là phải quyết đoán, trách nhiệm. Phải sẵn sàng chuẩn bị trực chiến cho tình huống khi mở lại các hoạt động, dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào. Phương châm là phát hiện thật nhanh, khoanh vùng, dập dịch ngay từ ban đầu” – Phó Thủ tướng nói.

Phải quán triệt đến tất cả các cấp

Làm việc tại Kiên Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tỉnh đã làm tương đối tốt công tác điều trị, tỷ lệ tử vong hơn 1%, thấp hơn tỷ lệ của cả nước. Tuy nhiên, có nơi có lúc, ở cơ sở vẫn chưa thực hiện giãn cách thật nghiêm; vẫn còn tình trạng người từ nơi khác về chưa được phát hiện kịp thời.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh phải quán triệt tất cả các cấp, đến tận các ổ dịch Covid-19, đã giãn cách là phải giãn cách thật nghiêm túc; phải làm rõ tại sao trong khu cách ly tập trung, khu phong tỏa vẫn còn ca nhiễm mới, phải rà lại thật kỹ các điều kiện trong khu cách ly tập trung. Tỉnh cần huy động sức mạnh của tất cả hệ thống, đặc biệt là người dân, phải chuẩn bị nhanh nhất để trở lại trạng thái bình thường mới ở từng ấp, khu phố, xã, phường….

Theo Phó thủ tướng, trong báo cáo thống kê hằng ngày cần phải nói rõ số ca nhiễm trong khu phong tỏa, khu cách ly, số còn lại mới là trong cộng đồng. Trong các ca cộng đồng, đó có bao nhiêu ca đã rõ nguồn lây, bao nhiêu ca chưa rõ, bao nhiêu ca ở khu đỏ, cam, vàng, xanh thì phải thật chi tiết để có biện pháp phòng chống phù hợp, hiệu quả. Hiện nay tỉnh gộp các ca nhiễm trong khu phong tỏa, khu cách ly vào số ca nhiễm trong cộng đồng là chưa chính xác.

Theo báo cáo của Kiên Giang, trong vòng 7 ngày (10 - 16/9), tỉnh có 1.107 ca mắc mới, trong đó số ca mắc trong cộng đồng là 330, chiếm 29,8% tổng số ca mắc. Các ca bệnh chủ yếu nằm trong xã, ấp vùng đỏ, đang thực hiện giãn cách. Kiên Giang cũng đang thực hiện rất nghiêm quy định về xét nghiệm nhưng do cách hiểu để áp dụng còn bị lúng túng nên khi triển khai thực hiện vượt quá khả năng. Vì vậy tiến độ xét nghiệm rất chậm, không theo kịp tốc độ lây nhiễm, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ ca nhiễm tăng cao.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: V.K 

Trước đó cùng ngày, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã làm việc tại tỉnh Tiền Giang. Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 địa phương này báo cáo dịch bệnh có chiều hướng giảm. Toàn tỉnh đã có hơn 9.000 người đã khỏi bệnh (chiếm gần 73% so với tổng số ca mắc), tỷ lệ ca tử vong là 2,5%.

Tiền Giang hiện có 100% xã, phường đã thực hiện chiến dịch xét nghiệm tầm soát cộng đồng lần 2, đạt hơn 94% kế hoạch, phát hiện F0 đưa ra khỏi cộng đồng với tỷ lệ 0,2% và có xu hướng giảm dần, khoảng 70% số ca nhiễm mới ở khu cách ly tập trung và khu phong tỏa…

Tiền Giang kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét hỗ trợ, sinh phẩm test nhanh, trang phục phòng hộ cá nhân phục vụ cho chiến dịch xét nghiệm cộng đồng, tăng cường bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn về hồi sức cấp cứu để hỗ trợ cho Trung tâm Hồi sức Covid-19 và các bệnh viện thuộc tầng 3, phân bổ thêm vaccine để tăng tỷ lệ bao phủ trong người dân….

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực đầy vất vả của cả tỉnh Tiền Giang trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua. Đặc biệt là việc triển khai các gói an sinh, xã hội.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đã nêu ra những hạn chế, bị động trong công tác phòng, chống dịch mà Tiền Giang cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới để sớm khống chế dịch bệnh. Đó là công tác tầm soát F0, điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến, nâng cao hiệu quả khâu xét nghiệm, tầm soát để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Tỉnh cần tiếp tục cố gắng giữ vững từng “pháo đài” xã, phường, thị trấn. Bên trong từng “pháo đài” lại chia nhỏ, nắm sát từng thôn, ấp, tổ dân phố, khu phố, từ đó, đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với các khu vực đã dỡ phong tỏa phải tiếp tục quản lý chặt địa bàn, tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh để trở lại trạng thái “bình thường mới”…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần