Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý kiến nghị khẩn cấp của 8 DN sữa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp và có văn bản trả lời cho các doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 10183/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về việc xem xét, xử lý kiến nghị khẩn cấp được các doanh nghiệp (DN) sữa gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Tại văn bản này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp này và có văn bản trả lời cho các DN; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 
Trước đó, 8 DN sản xuất, nhập khẩu sữa nguyên liệu đã đồng loạt ký tên vào bản kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính để phản đối công văn thay đổi mã số không có căn cứ đối với mặt hàng Anhydrous milk fat (dầu bơ khan) và buộc các DN phải nộp lại thuế nhập khẩu chênh lệch của mặt hàng này từ năm 2010. Tuy nhiên, đến nay, kết luận cuối cùng vẫn chưa được cơ quan hải quan thông báo. Trong văn bản kiến nghị, các DN sữa này nêu rõ, việc áp thuế không đúng của cơ quan hải quan gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Ước tính, nếu thay đổi mức thuế từ 5% ban đầu lên đến 15% thì số tiền truy thu sẽ và khoảng 700-1.000 tỷ đồng.

Theo các doanh nghiệp, từ năm 2000 đến nay, họ nhập khẩu mặt hàng có tên thương mại là Anhydrous Milkfat (AMF) của Tập đoàn Fontera (New Zealand) để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng dẫn các tài liệu của Ủy ban tiêu chuẩn hóa Thực phẩm Quốc tế - Codex (CODEX STAN 280-1973), Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam (QCVN 5-4:2010/BTY), Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN 8434:2010) cho rằng Anhydrous Milkfat hay Anhydrous Butterfat là như nhau.

Lâu nay, cơ quan Hải quan vẫn xác định mặt hàng được nhập khẩu có mã số là 0405.90.10 với mức thuế suất nhập khẩu là 5%. Thế nhưng mới đây, trên cơ sở kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan địa phương sử dụng mã số thuế 040590.90, với mức thuế suất lên tới 15% và thực hiện truy thu thuế đối với doanh nghiệp với các lô hàng từ năm 2010.

Các doanh nghiệp cho rằng, việc Tổng cục Hải quan bất ngờ yêu cầu đổi mã số mặt hàng kéo mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng này tăng từ 5% lên 15% là mang tính áp đặt và không có căn cứ. Ước tính từ phía doanh nghiệp, số thuế bị truy thu sẽ ở khoảng 1.000 tỷ đồng

Đại diện Cục Sau thông quan - Tổng cục Hải quan, theo quy định thì Anhydrous Milkfat (dầu bơ khan) và Anhydrous Butterfat (chất béo khan của bơ) là 2 mặt hàng khác nhau, có mã số HS và thuế suất khác nhau. Đối với hàng có tên thương mại là Anhydrous Milkfat thì mã số 0405.90.90 có mức thuế nhập khẩu là 15%, còn Anhydrous Butterfat thuộc mã số 0405.90.10 có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.

“Đây không phải là một mặt hàng mà biểu thuế là 2 dòng hàng. Ý kiến của Bộ Công Thương và kinh nghiệm tại Thái Lan đều xác định đây là 2 mặt hàng khác nhau với thuế suất khác nhau” - đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan khẳng định. Vị này cho hay, việc kiểm tra sau thông quan là bình thường. Từ dấu hiệu nêu trên, ngành hải quan đã có chỉ đạo hải quan các địa phương kiểm tra sau thông quan.

Ở góc độ pháp luật, một số luật sư cho rằng, hậu kiểm là hoạt động bình thường của cơ quan hải quan. Việc truy thu thuế của 8 DN sữa phải chờ kết quả thanh, kiểm tra mới xác định được đúng sai. Tuy nhiên, các luật sư cũng không loại trừ khả năng thể có trách nhiệm của hải quan trong quá trình xác định mã sản phẩm hàng hoá tại thời đỉểm kế khai do trình độ và đạo đức cán bộ, công chức hải quan.