Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Tổng thống Mỹ công du Đông Bắc Á: Sứ mệnh hóa giải “ẩn số” ADIZ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến công du Đông Bắc Á kéo dài một tuần với sứ mệnh "hạ nhiệt" căng thẳng trong khu vực sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Thử thách lớn

Được thực hiện chỉ hơn một tuần sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông trong đó có cả các hòn đảo Nhật Bản tuyên bố chủ quyền và chồng lấn lên cả khu vực giới hạn phòng không của Hàn Quốc nên các chuyên gia nhận định, nhiệm vụ đặt lên vai Phó Tổng thống Mỹ là vô cùng nặng nề. Theo đó, ông Biden phải thể hiện quan điểm riêng về ADIZ mà không để 2 đồng minh thân cận là Nhật Bản và Hàn Quốc "mếch lòng", vừa không làm "sứt mẻ" mối quan hệ kiểu mới với Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, ông Biden xác định đây là cơ hội để Washington khuếch trương thông điệp "đã, đang và sẽ luôn ở bên cạnh các đồng minh" và là cách mà hai cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc xây dựng các mối quan hệ khác trong thế kỷ XXI. Tại Nhật Bản, ông Biden đã đưa ra cách tiếp cận khá khôn ngoan là "kiên định trong cam kết liên minh giữa chúng ta. Tôi sẽ trực tiếp đề cập đến những mối quan tâm chính hiện nay với các nhà lãnh đạo Trung Quốc". Đồng thời, khẳng định với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng: "Cần thiết phải có cơ chế quản lý rủi ro và xây dựng các kênh thông tin hiệu quả giữa Trung Quốc và Nhật Bản để giảm nguy cơ leo thang căng thẳng".
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) đã có cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo ngày 3/12/2013.   Ảnh: AFP
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) đã có cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo ngày 3/12/2013. Ảnh: AFP
Tại Bắc Kinh, Phó Tổng thống Biden có các "đối thoại rất rộng" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều và Thủ tướng Lý Khắc Cường về các vấn đề khác nhau. Theo đó, ông Biden phải làm sáng tỏ câu hỏi về cách mà Trung Quốc tiếp cận vùng không phận quốc tế và làm thế nào Trung Quốc có thể "ăn nói" với các nước trong khu vực khi láng giềng của họ không đồng tình với cách thức mà Bắc Kinh đang thực hiện. Sau khi rời Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ sẽ đến Hàn Quốc vào ngày 5/12 và có cuộc hội kiến Tổng thống Park Geun- Hye nhằm thống nhất quan điểm đối phó với tuyên bố thành lập ADIZ của Trung Quốc. 

Tiếp tục xoay trục

Sự hiện diện của Phó Tổng thống Biden tại khu vực Đông Bắc Á trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" hiện nay cho thấy, Washington đã nhanh nhạy chớp lấy cơ hội để làm sâu sắc hơn chiến lược "xoay trục". Không chỉ là thời cơ để thể hiện sự sát cánh với hai đồng minh chiến lược là Hàn Quốc, Nhật Bản, việc can dự vào tam giác quyền lực Seoul - Bắc Kinh - Nhật Bản góp phần tăng cường sự hiện diện của Mỹ trên sân khấu chính trị khu vực.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng John Kerry sẽ tới thăm Philippines trong tháng này để tái khẳng định cam kết của Washington giúp Manila tái thiết sau siêu bão Haiyan. Khoản viện trợ khoảng 60 triệu USD cùng tuyên bố luôn "sát cánh với Philippines trong giai đoạn khó khăn hiện nay" của Mỹ không chỉ giúp Washington tăng "quyền lực mềm" mà còn là cơ hội để củng cố với một đồng minh mới tại khu vực Đông Nam Á và tiếp tục thực hiện chiến lược "xoay trục" tại đây.