Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc: Từ Trung ương đến cơ sở, “trên nóng, dưới cũng phải nóng”

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại cuộc thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm từ TƯ Đảng và Chính phủ, đến các tỉnh, TP và bộ, ngành, “trên nóng, dưới cũng phải nóng”.

“Trên nóng, dưới cũng phải nóng”
Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); và báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
 Quang cảnh cuộc thảo luận tổ ĐBQH TP Hà Nội.
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được luồng sinh khí mới trong toàn xã hội. Trong đó, yếu tố lãnh đạo, chỉ đạo là “chìa khóa” quan trọng tạo nên những thành công ấy. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, và rất công khai từ TƯ Đảng và Chính phủ đã lan tỏa đến các tỉnh, TP và bộ, ngành.
“Chúng tôi cảm nhận rất rõ điều này vì TƯ Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành TƯ đã chỉ đạo các việc, vụ việc rất  quyết liệt; không chỉ vấn đề chống tham nhũng mà tất cả các mặt về công tác cán bộ, bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội… Điều thành công nhất chúng ta đạt được là có được lòng tin của Nhân dân. Người dân nhìn vào chính quyền, nhìn vào các cấp ủy đảng, vào đảng viên, họ có niềm tin”, ĐBQH Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn thị Bích Ngọc dẫn chứng: TƯ chỉ đạo các vụ việc phức tạp, các vụ việc lớn phải đưa ra xem xét, lập tức, Hà Nội cho ra ngay một Chỉ thị về việc rà soát tất cả các vụ việc trên địa bàn TP. Theo đó, từng quận, huyện phải rà soát và đưa ra thời điểm giải quyết cụ thể. Giao ban hàng tháng, Thường trực nghe (2 tuần 1 lần) những vụ việc phức tạp nổi lên. Vụ việc nào chưa giải quyết được, Thường trực sẽ cho ý kiến chỉ đạo. Khi đi tiếp xúc cử tri, người dân hỏi chúng tôi, chúng tôi trả lời ngay những vấn đề có liên quan. “Điều đó cho thấy, “trên nóng, dưới cũng phải nóng”. Dưới ở đây là cấp TP, tỉnh trở xuống cũng phải nóng, phải quyết liệt”, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội khẳng định.
 Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được luồng sinh khí mới trong toàn xã hội.
Một ví dụ nữa cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TƯ đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận cũng như thúc đẩy các địa phương, các bộ, ngành có những chuyển biến rõ nét được ĐBQH Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ ra: “Khi Hà Nội có vấn đề gì, lãnh đạo cấp trên từ các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đến các Bộ đều quan tâm giải quyết ngay. Hay, khi xảy tai nạn giao thông, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo tức thì… Sự vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương thực sự đã thể hiện trách nhiệm của mình với Nhân dân”.
Thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm
ĐBQH Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã quyết liệt rồi cần quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tới đây, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, cần phải tiếp tục kiểm tra, thanh tra và xem xét trách nhiệm nhiều hơn. Trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ mới có duy nhất Bộ Công thương có báo cáo xem xét giảm các thủ tục hành chính. Còn lại các bộ khác mới đang trong quá trình thực hiện. Trong khi, chúng ta đã sắp được nửa nhiệm kỳ. Tôi cho rằng, đã quyết liệt phải quyết liệt hơn, bộ nào, cơ quan, tỉnh nào chưa làm đến nơi, đến chốn thì cần làm rõ trách nhiệm”.
 Tại cuộc thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 5 giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Đồng thời, triển khai quyết liệt nhưng phải đúng trọng tâm, trọng điểm và phải lựa chọn vấn đề. Ví dụ, theo sự chỉ đạo của TƯ, ngoài chống tham nhũng, lãng phí; Hà Nội chú trọng xem xét vấn đề tiết kiệm, vì tiết kiệm lãng phí từ thủ tục hành chính, thời gian, đất đai, sử dụng đất đai là không hề nhỏ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, HĐND TP Hà Nội đã rà soát, kiểm tra tất cả những dự  án đang chậm tiến độ. Trên tinh thần đó, chúng tôi xem xét trách nhiệm và những vấn đề vướng mắc đang tồn đọng ở đâu để kịp thời giải quyết.
Thứ hai, quan tâm đến hoàn chỉnh các quy định, hướng dẫn Luật, sửa đổi kịp thời những bất cập gây khó khăn cho thực tế triển khai thực hiện. Ví dụ, do những quy định bất hợp lý trong Luật Đầu tư công khiến chúng ta không thể nào giải ngân nhanh được. Hay vấn đề đầu tư tập trung có quy định 1 năm đấu thầu 1 lần, qua quá trình thực hiện, chúng tôi thấy rất bất cập. Chúng tôi đã xin ý kiến cho Hà Nội đấu thầu 2 lần 1 năm những vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tế. Tôi đề nghị, văn bản có bất cập cần phải sửa đổi ngay, tránh để quá lâu, khiến việc triển khai và hoạt động quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Thứ 3, cần rà soát các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Hà Nội đạt trên 60%, cả nước chỉ đạt 37,2%. Nhưng quan trọng nhất là sau khi đạt nông thôn mới rồi, việc tiếp tục phát triển toàn diện bộ mặt nông thôn như thế nào lại là vấn đề đáng quan tâm. Nếu chúng ta xây dựng nông thôn mới xong mà đời sống người dân không thay đổi thì chưa đạt yêu cầu. Người dân sống ở vùng nông thôn hiện chiếm tỷ lệ rất cao nên chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, để cải thiện khoảng cách giàu nghèo và điều kiện sống cho họ.
Thứ 4,  cần xem xét, xử lý nghiêm các vi phạm. Những vi phạm nào chưa có trong Luật cần bổ sung ngay vào Luật, nhưng nếu đã rõ người, rõ tội thì cần xử lý nghiêm theo thẩm quyền cho phép. Có như vậy mới đảm bảo tính răn đe và giáo dục.
Thứ 5, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm. Hiện, tất cả các xã, phường của TP Hà Nội đều đã có hệ thống kết nối mạng và hoạt động trên nền tảng công nghệ thông tin. Các địa phương khác cũng phải đầu tư đồng bộ. Cải cách hành chính phải đi đôi với ứng dụng công nghệ thông tin mới đạt hiệu quả cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần