Theo đà đi lên trên Phố Wall cuối tuần trước, chứng khoán châu Á phục hồi trong phiên giao dịch mở cửa ngày 19/11, sau khi xuống mức thấp chín tuần trong ngày 16/11. Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,5%.
Ngày 16/11, những người đứng đầu hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã để ngỏ khả năng thỏa hiệp, với giải pháp là kết hợp giữa cắt giảm chi tiêu và tăng nguồn thu, mặc dù sẽ chưa có thỏa thuận nào đạt được cho ít nhất là đến giữa tháng 12.
Niềm lạc quan về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các lãnh đạo Quốc hội nước này sẽ đạt được thỏa thuận về giảm thâm hụt và ngặn chặn vực thẳm ngân sách đã giúp chứng khoán Mỹ hồi sinh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Chốt phiên giao dịch 16/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 45,93 điểm, tương ứng 0,4%, lên 12.588,31 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 6,55 điểm, tương ứng 0,5%, lên 1.359,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 16,19 điểm, tương ứng 0,6%, lên 2.853,13 điểm.
Khoảng 7,52 tỷ cổ phiếu đã được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,52 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Trên sàn New York, sổ cố phiếu tăng điểm vượt số giảm điểm với tỷ lệ 2.258/ 784, còn ở sàn Nasdaq tỷ lệ này là 1.446/ 997.
Nỗi lo về việc Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm thâm hụt đã gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu suốt từ ngày kết thúc bầu cử 6/11 tới nay. Phiên 14/11, thị trường chao đảo dữ dội sau khi ông Obama tuyên bố sẽ kiên trì quan điểm đánh thuế người giàu Mỹ.
Tính từ hôm 6/11 tới nay, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm 5%. Nếu thỏa thuận giữa ông Obama và các lãnh đạo lưỡng viện của Quốc hội Mỹ không được thông qua, kế hoạch tăng thuế và cắt giảm chi tiêu tự động sẽ bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới, đe dọa đẩy nước Mỹ trở lại suy thoái và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 1,8% so với tuần trước, tương tự như chỉ số Dow Jones. Tuy nhiên, đây là tuần thứ 6 liên tiếp, chỉ số này điều chỉnh giảm.
Tại thị trường châu Á, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 50,94 điểm, hay 0,24%, lên 21.209,95 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 117,11 điểm, hay 1,3%, lên 9.141,27 điểm.
Thị trường Australia tăng 0,6%, trong khi thị trường Hàn Quốc tăng 0,5%. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 7,38 điểm, hay 0,37%, xuống 2.007,35 điểm.
Các thị trường đang nhận định Chính phủ mới của Nhật Bản được bầu lên sau cuộc bầu cử vào ngày 16/12 tới sẽ có biện pháp kích thích kinh tế bổ sung, trong đó có động thái nới lỏng chính sách hơn nữa của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). BoJ bắt đầu cuộc họp hai ngày vào ngày 19/11, nhưng có thể sẽ không có quyết định chính sách mới nào.