KTĐT - Kết thúc phiên đầu tuần, chỉ số Dow Jones Industrial hồi phục 23,88 điểm, tương ứng 0,2%, leo lên ngưỡng 10.196,86 điểm.
Phiên đầu tuần, chứng khoán Mỹ phục hồi sau khi trải qua chuỗi ngày điều chỉnh tồi tệ nhất kể từ tháng 3, giữa những phỏng đoán Ben S. Bernanke sẽ tái nhậm chức Chủ tịch Cục dữ trữ Liên bang (FED).
Đầu ngày giao dịch hôm qua, sắc xanh trở lại trên các bảng điện tử ở Trung tâm tài chính New York. Tâm lý thị trường ổn định trở lại sau đợt tháo chạy của các nhà đầu tư trong những phiên cuối tuần trước. Những quan ngại trước đó về người đứng đầu cơ quan tài chính quyền lực nhất thế giới FED cũng như nguy cơ vỡ nợ tín dụng của Chính phủ Hy Lạp cũng đã dịu bớt.
Thị trường trải qua một đợt rung lắc mạnh, đã có lúc xóa đi gần như tất cả những nỗ lực phục hồi trong phiên buổi sáng. Làn sóng tháo hàng dâng cao sau khi Hiệp hội các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) công bố doanh số nhà trao tay trong tháng 12/2009 giảm kỷ lục 17% - mạnh nhất kể từ năm 1968. Tuy nhiên, trước lực cầu bắt đáy bền bỉ tiếp tục giải ngân vào cổ phiếu, chứng khoán Mỹ quay đầu đi lên cho đến cuối ngày mặc dù bước tăng không ấn tượng như đầu ngày giao dịch.
Kết thúc phiên đầu tuần, chỉ số Dow Jones Industrial hồi phục 23,88 điểm, tương ứng 0,2%, leo lên ngưỡng 10.196,86 điểm. Cổ phiếu tập đoàn sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới Intel dẫn đầu đà khởi sắc trong nhóm 30 công ty công nghiệp hàng đầu của Mỹ sau khi giới phân tích dự đoán, số đơn đặt hàng thay thế hàng điện tử máy tính của người tiêu dùng và kinh doanh sẽ tăng mạnh trong năm 2010. Hàn thử biểu Standard & Poor 500 tăng 0,5%, đóng cửa tại 1.096,78 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite nhích 0,3%, lên 2.210,8 điểm. Đáng chú ý trong phiên này, thanh khoản là điểm sáng lớn nhất khi tăng gần 25% so với mức trung bình của tuần trước.
Chuỗi ngày điều chỉnh của chứng khoán châu Âu dài nhất trong 2 tháng. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu thuộc khu vực Eurozone DJ Stoxx 600 xóa đi bước tăng khá ở đầu ngày giao dịch, đóng cửa âm 0,7%, thoái lui về 248,29 điểm. Đây là phiên giảm điểm ngày thứ tư liên tiếp của chỉ số này. Nhà đầu tư thất vọng về kinh doanh quý IV của gã khổng lồ trong ngành sản xuất thiết bị bán dẫn Ericsson, cũng như triển vọng doanh số bán xe trên thị trường châu Âu kém sáng sủa của Fiat SpA Motor - tập đoàn chế tạo ôtô lớn nhất Italy. Phiên hôm qua, sắc đỏ trải trên 13 bảng điện tử, trong đó, biên độ hạ trên 1% vẫn xuất hiện ở nhiều thị trường. Chứng khoán Anh giảm 0,8%. Trong khi đó, các chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX 30 của Đức lần lượt bốc hơi 1% và 1,1%.
Tại châu Á, thị trường chứng khoán “chao đảo” phiên thứ sáu liên tiếp. Bóng đen về khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm hạ nhiệt đà tăng trưởng nóng của nền kinh tế bao trùm các sàn cổ phiếu. Sự thoái trào các cổ phiếu ngành ngân hàng, năng lượng tiếp tục là lực cản cho phục hồi của thị trường. Chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI hạ 0,7%, xuống 121,57 điểm. Như vậy, sau 6 ngày điều chỉnh, chỉ số này bốc hơi 4,1%.
Tại Thượng Hải, phong vũ biểu Shanghai Composite đóng cửa âm 1,1% - biên độ trượt rộng nhất trong số 8 thị trường chủ chốt ở phiên này. Chứng khoán Hong Kong đánh dấu mức sụt giảm 10% kể từ khi HangSeng Index chạm đỉnh cao nhất hồi tháng 11 năm ngoái, bằng phiên đi xuống 0,6%. Trong năm 2010, chỉ số này mất tới 5,8% - tốc độ điều chỉnh nhanh gần gấp 3 lần so với đà giảm của chỉ số tổng hợp 23 sàn cổ phiếu lớn nhất thế giới MSCI World Index.
Sắc đỏ bao trùm trên tất cả các bảng điện tử, trong đó, Kospi của Hàn Quốc, Nikkei 225 (Nhật Bản), Taiwan Taiex (Đài Loan) và S&P ASX 200 của Australia cùng mất điểm trong biên độ từ 0,8% đến 0,7%. Nhà đầu tư xả hàng các cổ phiếu công ty xuất khẩu trên diện rộng giữa những lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu sau khi bản kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính phố Wall của Tổng thống Obama được thông qua. Chứng khoán Ấn Độ và Singapore lần lượt giảm 0,5% và 0,3%.