Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phố Wall vọt mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua, sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa, các quan chức Liên minh châu Âu đã công bố một kế hoạch, trong đó sẽ yêu cầu các ngân hàng trong khu vực tăng hạn mức tiền mặt để chống đỡ được tốt hơn với những thua lỗ từ khoản trái phiếu Hy Lạp mà các nhà băng này đang nắm giữ.

Phiên giao dịch đêm qua, thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu tăng điểm mạnh, sau khi có tin cho biết Trung Quốc sẽ đầu tư vào Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu.

Theo hãng tin AFP dẫn lời các quan chức ngoại giao cấp cao trong Liên minh châu Âu, Trung Quốc đã đồng ý đầu tư vào quỹ cứu trợ châu Âu có tên viết tắt là EFSF này, nhưng không rõ khoản mức đầu tư là bao nhiêu. Dẫu vậy, thông tin này cũng đã có tác dụng trấn an nhà đầu tư cổ phiếu.

Hôm qua, sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa, các quan chức Liên minh châu Âu đã công bố một kế hoạch, trong đó sẽ yêu cầu các ngân hàng trong khu vực tăng hạn mức tiền mặt để chống đỡ được tốt hơn với những thua lỗ từ khoản trái phiếu Hy Lạp mà các nhà băng này đang nắm giữ.

Các chính phủ ở châu Âu cũng thúc giục các nhà băng này chấp nhận khoản thua lỗ hơn 50% đối với số trái phiếu chính phủ của Hy Lạp, nhằm giảm tổng dư nợ tư nhân của Athens được khoảng 100 tỷ Euro. Tuy nhiên, vấn đề này còn đang gây tranh cãi và chưa có kết luận cuối cùng.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo châu Âu dự định tăng gấp 4 lần quy mô của quỹ giải cứu khu vực lên 1.000 tỷ Euro nhằm giúp đỡ các quốc gia nợ nần và ngăn chặn sự tấn công từ thị trường. Hiện chi tiết cụ thể của kế hoạch này vẫn còn khá mù mờ và có thể phải đợi tới tháng sau mới được làm rõ.

Do vậy, theo Joe Bell, một nhà phân tích thuộc Tổ chức Nghiên cứu đầu tư Schaeffer's cho hay, thị trường hiện giao dịch hoàn toàn dựa vào tin đồn đoán và các nhà đầu tư thì đang căng mắt tập trung hết sức chú ý vào khu vực châu Âu.

Chốt phiên giao dịch ngày 26/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 162,42 điểm, tương ứng 1,4%, lên 11.869,04 điểm. Trong đó, đáng chú ý là cổ phiếu của hãng sản xuất máy bay Boeing tăng được 4,5% sau khi công bố mức lợi nhuận quý 3 cao vượt kỳ vọng. Hãng cũng nâng dự báo lợi nhuận năm 2011.

Chỉ số S&P 500 tiến 12,95 điểm, tương ứng 1,1%, lên 1.242 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,25 điểm, tương ứng 0,5%, lên 2.650,67 điểm. Cổ phiếu của hãng Amazon giảm 12,7% sau khi công bố lợi nhuận giảm tới 73%. Doanh nghiệp này bị chỉ trích vì đã tốn quá nhiều tiền cho việc mở rộng kinh doanh.

Ngoài yếu tố Trung Quốc, một vài báo cáo kinh tế lạc quan công bố trong ngày cũng góp phần nâng chứng khoán Mỹ đi lên. Cụ thể, đơn đặt hàng máy móc công nghiệp nặng và hàng tiêu dùng bền khác tăng cao trong tháng trước cho thấy doanh nghiệp vẫn chi tiền mua sắm thiết bị bất chấp kinh tế yếu kém.

Doanh số nhà mới trong tháng 9 tăng trở lại sau khi đã sụt giảm 4 tháng liên tiếp. Nguyên nhân là do giá nhà thấp đã hấp dẫn được người mua quay trở lại với thị trường này.

Phiên hôm qua, khối lượng cổ phiếu được giao dịch trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq đạt khoảng 8,54 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình hàng ngày 8,01 tỷ cổ phiếu của năm nay. Số mã tăng/ giảm ở sàn New York là 1.404/ 598, còn ở sàn Nasdaq là 1.817/ 675.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Âu diễn biến trái chiều trong phiên 26/10. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 27,70 điểm, tương ứng 0,5%, lên 5.553,24 điểm. Ngược dòng, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,15% xuống còn 3.169,62 điểm. DAX của Đức giảm 0,51% xuống còn 6.016,07 điểm.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoài thị trường Nhật Bản tiếp tục duy trì xu thế đi xuống, hầu hết các sàn chứng khoán khác đều tăng điểm, nhưng biên độ tăng đã giảm nhiều so với phiên liền trước. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng mạnh nhất, với 0,74% lên mốc 2.427,48 điểm.

Chỉ số Taiex của thị trường Đài Loan tiến 0,6% lên mức 7.535,82 điểm. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông tăng 0,52% lên mức 19.066,50 điểm. Chỉ số Straits Times của thị trường Singapore tăng 0,33% lên 2.769,94 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cộng 0,3% lên chốt ở mức 1.894,31 điểm.