Phối hợp nâng cao việc thực thi chính sách BHXH cho người lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 28/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020.

Tại Lễ ký kết, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết: Qua 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, nhìn chung thu được kết quả khả quan.
Công tác chỉ đạo triển khai Quy chế được lãnh đạo hai bên quan tâm, các nội dung phối hợp hàng năm được phân công nhiệm vụ rõ ràng, thuận lợi trong triển khai và làm cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch phù hợp. Tổ chức công đoàn và cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện khá nghiêm túc việc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế, các nội dung phối hợp đều bám sát kế hoạch của Tổng LĐLĐ - BHXH Việt Nam và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Trong đó, đều chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ). 

Mặc dù vậy, theo ông Hải, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp hàng năm giữa hai ngành theo Quy chế đôi lúc còn chậm, việc chỉ đạo theo dõi và tổng hợp kết quả thực hiện phối hợp hàng năm giữa BHXH và LĐLĐ tỉnh, thành phố chưa kịp thời. 

Bên cạnh đó, việc phối hợp trong nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách pháp luật, nhất là giải pháp bảo vệ quyền lợi NLĐ ở các doanh nghiệp nợ, chậm đóng, vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT chưa thật sự hiệu quả. Đồng thời, việc phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của hai ngành tại một số địa phương chưa thường xuyên. Ngoài ra, công tác phối hợp tuyên truyền còn hạn chế, nội dung và hình thức tuyên truyền thiếu đổi mới, trao đổi thông tin giữa hai ngành ở một số địa phương chưa thường xuyên…

Từ thực tế kinh nghiệm rút ra trong 3 năm qua, “Quy chế phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT giai đoạn 2015 - 2020” được xây dựng và thống nhất ban hành nhằm mục đích: Tăng cường trách nhiệm và phối hợp giữa hai ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ. 

Theo đó, hoạt động phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam gồm các nội dung: Nghiên cứu đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT; chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT; phối hợp trong công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT… Hoạt động phối hợp giữa BHXH tỉnh và LĐLĐ tỉnh, công đoàn ngành T.Ư, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ tập trung vào: Tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn thư về BHXH, BHYT; thực hiện khởi kiện các vi phạm pháp luật về BHXH…

Căn cứ Quy chế này, BHXH các tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với LĐLĐ các tỉnh, công đoàn ngành T.Ư, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ xây dựng chương trình phối hợp công tác hàng năm, hướng dẫn chỉ đạo BHXH và LĐLĐ trực thuộc xây dựng chương trình phối hợp theo từng cấp phù hợp với thực tế địa phương, của ngành. Lãnh đạo hai bên cũng thống nhất, Quy chế này chính thức thay thế Quy chế số 1619/QCPH-TLĐ-BHXH ngày 27/4/2012; riêng Điều 8, Điều 10, Điều 21 và Điều 2 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016.