Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng bệnh hô hấp trong mùa lạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những đợt lạnh, số bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện tăng mạnh và sẽ còn tăng trong những ngày sau đó. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế nên nguy cơ bị nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn.

Khi thời tiết lạnh sâu, niêm mạc đường hô hấp trên không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí như lúc bình thường. Không khí hít vào đường hô hấp có nhiệt độ thấp gây nên tình trạng co các mạch máu nuôi lớp niêm mạc đường hô hấp. Hệ hô hấp từ mũi họng đến phế quản phổi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh trên một diện rất rộng lớn, gần 100m2, nên đường hô hấp là cơ quan đầu tiên của cơ thể chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Vì vậy, dễ gây viêm mũi, họng, xoang, từ đó nhiễm trùng có thể lan lên tai gây viêm tai giữa, lan xuống gây viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, đợt cấp có thể bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cơn hen phế quản cấp do nhiễm trùng phế quản… Tuy nhiên cũng có trường hợp bị viêm phổi luôn mà không có biểu hiện viêm đường hô hấp trên rõ rệt.
Phòng bệnh hô hấp trong mùa lạnh - Ảnh 1
Vì vậy, để phòng tránh các bệnh hô hấp bảo vệ sức khoẻ, người dân cần chú ý một số điểm sau:

Điều trị triệt để

Khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên cần điều trị sớm và triệt để tránh nhiễm trùng lan xuống phế quản phổi. Việc cần làm là khai thông đường hô hấp trên bằng cách rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý Natri clorua 9%o: Cho trẻ nằm nghiêng, đầu kê trên một chiếc khăn mặt bông to, bơm nhỏ dung dịch nước muối sinh lý (hoặc phun xịt nếu có điều kiện mua loại chế phẩm đóng trong bình xịt áp lực) vào lỗ mũi ở phía trên dần dần sao cho dịch chảy trong mũi, đẩy các chất tiết trong mũi ra lỗ mũi ở phía dưới. Khi thấy dịch mũi chảy ra thì lấy khăn giấy hoặc khăn vải mềm lau sạch, hoặc hút nhẹ dịch, chất tiết ra. Đối với người lớn cũng cần làm sạch mũi bằng cách tương tự.

Ngoài ra, cần điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn mạn tính ở răng, lợi, miệng, tai, mũi, họng để tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới. Viêm phổi thường có xu hướng nặng hơn ở người già trên 65 tuổi, hoặc ở những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, các tình trạng bệnh lý khiến bệnh nhân phải nằm lâu; những người có tổn thương cấu trúc phổi - phế quản như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi... Do vậy những bệnh nhân này cần tuân thủ đúng chế độ điều trị bệnh mạn tính đang mắc; những bệnh nhân nằm lâu cần thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp vỗ rung lồng ngực.

Đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường chống rét

Nâng cao sức đề kháng cho người bệnh bằng cách, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh; Tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, tiêm vaccine phế cầu, vaccine phòng vi khuẩn hemophilus cho trẻ em, người trên 65 tuổi, nhất là người có mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim, tiểu đường, bệnh gan hoặc suy giảm miễn dịch.

Ngoài ra, cần mặc ấm khi ra lạnh, giữ ấm mặt, cổ ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi không có việc thật cần thiết không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn. Đối với trẻ nhỏ, khi trời lạnh không nên cho trẻ ra ngoài trời. Khi đi xe đạp và nhất là đi xe máy nên đội mũ bảo hiểm loại che kín được cả đầu lẫn mặt, cằm để tránh bị lạnh gây nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi họng. Trong nhà cũng như nơi công sở, trường học cần chú ý đóng kín các cửa, các khe, lỗ hở tránh gió lùa. Nếu có điều kiện nên dùng lò sưởi, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ vì khả năng chịu lạnh của các cháu kém. Tuy nhiên cần tránh các kiểu sưởi mà chất đốt cháy không hoàn toàn như lò than, bếp than ủ ở phòng kín vì sẽ gây ngộ độc khí CO2 nguy hiểm. Các gia đình có điều kiện dùng điều hoà nhiệt độ chỉ nên để nhiệt độ khoảng 21 - 26oC.