Chú trọng kỹ năng tự thoát nạn
Với đặc thù quận “lõi” của TP có diện tích chỉ 10,25m2 nhưng dân số hơn 35 vạn người, chưa kể lượng lớn dân số cơ học, tại quận còn có nhiều chợ lớn như: chợ Hôm - Đức Viên, Đồng Tâm; nhiều chợ xen lẫn khu dân cư; cùng 71 cơ sở với 80 tòa nhà cao tầng, 1 cơ sở với 11 tòa siêu cao tầng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Bên cạnh đó, trên địa bàn quận có trên 100 ngõ rất nhỏ, xe chữa cháy rất khó tiếp cận, gây bất lợi lớn cho chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Trong khi, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn thấp; lại hạn chế về phương tiện PCCC. Vì vậy, tăng cường phòng chống cháy, nổ và trang bị kỹ năng thoát nạn cho người dân khi xảy ra tình huống là nhiệm vụ được quận đặc biệt quan tâm.Ngay sau khi có Nghị quyết 05 ngày 4/7/2017 của HĐND TP “quy định xử lý cơ sở không đảm bảo yêu cầu PCCC trên địa bàn Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực”, UBND quận đã tổ chức ra quân kiểm tra 100% cơ sở; yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý (BQL) đơn vị cam kết lộ trình khắc phục hạn chế. Từ quận đến phường đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, diễn tập phương án chữa cháy cho cơ sở. Trong đó, đáng kể là tập huấn “sử dụng khí tài phòng độc và kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ tại chung cư” cho gần 500 người ban quản trị của 23 chung cư tại quận và BQL, hộ dân Chung cư Skylight; diễn tập phương án chữa cháy, CNCH tại trụ sở UBND quận với hàng trăm người tham gia…Theo Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung, các hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp chính quyền, tổ chức và Nhân dân địa phương; tăng hiệu quả phối hợp lực lượng, phương tiện và nhất là mỗi người dân tiếp thu được kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy nổ. "Nếu như trước đây trên địa bàn quận, nhiều cơ sở vẫn còn không ít những hạn chế về công tác PCCC nhưng vẫn tồn tại, trong khi việc hướng dẫn cơ sở khắc phục tồn tại, xử lý sai phạm rất khó khăn, nhưng khi Nghị quyết 05 ra đời đã tạo cơ sở pháp lý rõ hơn. Chủ đầu tư và BQL cơ sở có ý thức khắc phục tồn tại trong khi người dân cũng coi trọng công tác PCCC hơn" - ông Trung khẳng định.Tiêu chí bình xét thi đuaDù kết quả khả quan, UBND quận cũng thừa nhận địa bàn còn rất nhiều cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết nên rất khó thống kê, nhất là kho hàng hóa, xưởng sản xuất xen khu dân cư, tập thể cũ. Trong khi, phần lớn công trình tồn tại là chung cư, tập thể cũ - nơi nhiều hộ sống qua các thế hệ; một số công trình ngoài ngân sách sau hoàn thiện lại được chủ đầu tư bàn giao đơn vị khác quản lý, nên rất khó khắc phục. "Thực tế chợ Hôm - Đức Viên với trên 700 hộ kinh doanh, dù BQL thường xuyên đôn đốc các hộ không lấn chiếm đường đi, lối thoát nạn và bày hàng sát nguồn nhiệt dễ gây cháy nổ, song nhiều hộ kinh doanh ở đây nhận thức vẫn còn hạn chế, nên tình trạng lấn chiếm, không đảm bảo khoảng cách an toàn vẫn xảy ra”- Trưởng BQL chợ Nguyễn Đức Chung chia sẻ.Trước thực tế đó, từ quận đến phường, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền PCCC đến từng cơ sở và UBND quận vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Thành ủy “Nâng cao trách nhiệm cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội, Nhân dân trong PCCC - CNCH". Trong đó, yêu cầu 100% phòng, ngành, phường chú trọng tuyên truyền; thanh, kiểm tra xác định rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, tập thể, cá nhân; kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Đặc biệt, lãnh đạo quận nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cấp cơ sở: Chủ tịch UBND 20 phường phải chịu trách nhiệm toàn diện về PCCC trên địa bàn, giám sát không để cơ sở đã bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vẫn kinh doanh lén lút, đồng thời tham mưu UBND quận biện pháp cưỡng chế cơ sở trái phép. Đáng chú ý, thực hiện quy định pháp luật PCCC được quận xác định là một tiêu chí bình xét thi đua hàng năm của tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.