Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng Giáo dục & Đào tạo Gia Lâm: Xứng danh lá cờ đầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiếm có một huyện nào mà phong trào giáo dục lại có nhiều thành tích như Gia Lâm. Mặc dù là địa phương còn rất nhiều khó khăn sau khi chia tách, thành lập quận Long Biên, nhưng chỉ chưa đầy 10 năm, phong trào giáo dục đào tạo của huyện đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc với 6 năm liền được UBND TP tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu khối huyện.

Đây cũng là địa phương có số trường đạt chuẩn quốc gia tỷ lệ vượt trội so với thành phố (48,5%), đặc biệt là số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia với 19/24 (79%), đứng đầu thành phố.

Thầy hiền, trò giỏi

Vừa đi dự Lễ khai giảng của một trường THCS về, thầy Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Giáo dục huyện vừa vui vẻ cho biết: "Thành tích thì có nhiều, nhưng huyện cũng còn băn khoăn lắm, bởi số lượng học sinh ngày càng tăng lên, trong khi cơ sở vật chất, trường lớp thì còn hạn chế".

Năm học 2011 - 2012, huyện Gia Lâm có 14 giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố đều đạt giải, trong đó 5 giải nhất, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích. Cả ba bậc học đều được Sở GD&ĐT khen thưởng đơn vị xuất sắc về thi giáo viên dạy giỏi. Từ các trường mầm non như Dương Xá, Phù Đổng, Đa Tốn, Kim Sơn, Hoa Sữa đến các trường trung học như Ninh Hiệp, Dương Quang; Trung học cơ sở thị trấn Trâu Quỳ, Cổ Bi, Lệ Chi… đều có những giáo viên giỏi, được phụ huynh và học sinh tín nhiệm. "Không chỉ có thầy hiền, mà ở Gia Lâm, học trò cũng rất giỏi" - thầy Quý nói. Chỉ trong năm học vừa qua, khối học sinh lớp 9 có 105 em dự thi học sinh giỏi cấp thành phố thì 64 em đạt giải, trong đó có 3 giải nhất, 17 giải nhì, 21 giải 3 và 2 giải khuyến khích. Khối tiểu học có 50 học sinh dự thi học sinh giỏi viết chữ đẹp thì cả 50 em đạt giải, trong đó 32 giải nhất, 11 giải nhì, 5 giải ba và 2 giải khuyến khích. Tại cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh trên mạng Internet, Gia Lâm đạt 2 giải nhất, 1 giải nhì và 6 giải khuyến khích; 2 học sinh được chọn dự thi toàn quốc thì 1 em đạt huy chương bạc và 1 em đạt huy chương đồng. Tại cuộc thi học sinh giỏi toán trên mạng internet, huyện có 50 học sinh dự thi thì đạt 37 giải, trong đó 2 giải nhất, 22 giải nhì, 13 giải khuyến khích; 2 học sinh được chọn dự thi toàn quốc đạt 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng…

Phòng Giáo dục & Đào tạo Gia Lâm: Xứng danh lá cờ đầu - Ảnh 1
Lễ khai giảng tại trường Tiểu học Tiền Phong, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. 

Các phong trào và hội thi khác như Hội khỏe Phù Đổng, Hội thi đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố, Hội thi công nghệ thông tin…, thầy và trò của huyện Gia Lâm cũng đều đạt thành tích cao. Thầy Quý cho biết, năm học 2011 - 2012, các kết quả về chỉ tiêu và chất lượng giáo dục của Gia Lâm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu của huyện và thành phố đề ra.

Những thành tích đáng ghi nhận

Những thành tích như trên đối với một huyện sau khi chia tách, quả thật không đơn giản. Thầy Quý còn nhớ như in cái thời điểm lịch sử của huyện Gia Lâm: "Ngày 1/1/2004, sau khi tách một phần của huyện để thành lập quận Long Biên, Gia Lâm còn lại 72 trường với 38.000 học sinh, nhưng rất khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu trường lớp, phòng học, phòng chức năng… Cả huyện lúc đó mới có hai trường đạt chuẩn Quốc gia, đó là Trường Tiểu học Dương Xá và Trường mầm non Phù Đổng. Song, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đến thời điểm này, ngành giáo dục Gia Lâm đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ".

Trước hết, đó là sự phát triển về quy mô trường lớp và kết quả phổ cập giáo dục. Số lượng học sinh của toàn huyện tăng lên 43.716 học sinh; số lượng cán bộ, giáo viên tăng gấp đôi (lên 2.861 người) và đồng bộ hơn về trình độ chuyên môn. Đáng nói hơn, trước đây cả huyện có 2 trường chuẩn Quốc gia thì nay con số này lên tới 34 trường ( đạt tỷ lệ 48,5%), trong đó có 19 trường tiểu học, đứng đầu thành phố về trường chuẩn tiểu học.

Đến nay, 100% các xã, thị trấn đảm bảo tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS; đã có 21/22 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập THPT. Trong 10 năm (từ 2002 - 2011), Gia Lâm có hàng ngàn học sinh đạt giải cao qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp huyện. 100% giáo viên của huyện đã đạt chuẩn và trên chuẩn. Phong trào viết, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên ngày càng mạnh mẽ; mỗi năm có trên 300 sáng kiến, kinh nghiệm được thành phố xếp loại. Tỷ lệ học sinh tiểu học lên lớp đạt 100%, tốt nghiệp THCS đạt bình quân 98%, tốt nghiệp THPT đạt bình quân trên 90%... Liên tục những năm qua, Gia Lâm không có sự việc gì đáng tiếc xảy ra trong các trường học. Công tác xã hội hóa giáo dục được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp lãnh đạo và sự tham gia của các thành phần, trong đó có phụ huynh học sinh. Sự quan tâm này đã góp phần xây dựng một môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh, không có những sự việc tiêu cực, góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học…

Thầy Quý cũng cho biết, toàn huyện đã xóa xong phòng học cấp 4 đối với các bậc Mầm non, Tiểu học và THCS. Gia Lâm là huyện đầu tiên hoàn thành chuyển 100% trường mầm non nông thôn sang mô hình trường mầm non bán công; 100% số xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng…

Thành tích là vậy, nhưng ngành giáo dục đào tạo huyện Gia Lâm cũng đang trăn trở về vấn đề cơ sở vật chất cho các trường học. Hiện nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện còn thiếu phòng học, hoặc bị phân tán ra nhiều khu nhỏ lẻ. Hơn nữa, do số lượng học sinh ngày càng tăng lên (riêng năm 2012, khối lớp 1 của huyện đã tăng thêm 1.000 học sinh), dẫn tới tình trạng thiếu phòng học. Do vậy, mong muốn lớn nhất của ngành Giáo dục & Đào tạo Gia Lâm là được thành phố và các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, phấn đấu đến năm 2015, các trường học trong huyện (đặc biệt là bậc mầm non) sẽ xóa bỏ được những điểm lẻ.