Phong trào thi đua TP Hà Nội 2015 - 2020: Những dấu ấn đổi mới

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 năm qua, bên cạnh thời cơ, thuận lợi,Hà Nội cũng phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Song, phát huy truyền thống là một địa phương luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, với tinh thần năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã quyết tâm vượt thách thức, tranh thủ thời cơ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, tạo những chuyển biến mới, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Không ngừng đổi mới
Xác định rõ tầm quan trọng của thi đua, nhất là trong bối cảnh TP và cả nước ngày càng hội nhập sâu rộng, ngay đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hà Nội đã ban hành chương trình công tác để phát triển các phong trào, xác định rõ mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ đột phá cho cả giai đoạn. Trên cơ sở đó hàng năm triển khai bằng các kế hoạch cụ thể. Chính vì vậy, các phong trào thi đua và công tác khen thưởng của TP trong 5 năm qua có nhiều nét mới.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Nguyễn Công Bằng cho rằng, nét mới nổi bật trong công tác thi đua khen thưởng của TP giai đoạn qua là nâng cao chất lượng quản lý, thể hiện ở việc kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện theo quy định của T.Ư, gắn với đặc thù của Hà Nội. Tiêu biểu nhất, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước đã ban hành Nghị quyết của HĐND TP (Nghị quyết số 03) về chế độ chi đặc thù trong lĩnh vực thi đua khen thưởng của TP.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trao khen thưởng cho 10 gương người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2019. Ảnh: Thanh Hải
Nét mới thứ hai, TP đã ban hành hướng dẫn sâu về công tác thi đua khen thưởng với những tổ chức hội trên địa bàn; sửa đổi bổ sung quy chế, quy định của TP để phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội trong giai đoạn, phù hợp đặc thù các ngành, lĩnh vực và hiện tại của TP.
Qua đó, giúp các đơn vị có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua của mình. Thứ ba, TP tiếp tục chú trọng khen thưởng thường xuyên và kịp thời song song với khen việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị đột xuất của TP, các cấp, ngành. Nhờ vậy, tỷ lệ khen thưởng thường xuyên và đột xuất tăng đáng kể so với nhiệm kỳ trước; số lượng và chất lượng khen thưởng người lao động trực tiếp cũng được nâng lên, kịp thời hơn…

Đáng chú ý, trong công tác tuyên truyền nhân rộng gương điển hình tiên tiến (ĐHTT), nét mới nổi bật là ngay đầu nhiệm kỳ, TP triển khai “Cuộc thi phát hiện và viết về gương ĐHTT, người tốt, việc tốt”, hàng năm đều được phát động và vừa bước sang năm thứ sáu. Đây là nét rất đặc trưng của Hà Nội trong 5 năm qua. Đến nay, Cuộc thi đã thu hút trên10.000 bài dự thi, tác phẩm báo chí.
Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP, việc triển khai Cuộc thi đã và đang bảo đảm được hai mục tiêu cơ bản: Hàng năm trong cơ cấu tác giả dự thi có 2/3 là người viết không chuyên, cán bộ, công chức, người lao động; thông qua viết về gương ĐHTT, họ tự nhận thức bản thân cần học tập và làm theo tấm gương, đồng thời tuyên truyền nhân rộng những tấm gương đó trong cộng đồng. 
“Có thể nói, Cuộc thi đã đúng, trúng, tiến tới mở rộng phạm vi đối tượng, góp phần khắc phục hạn chế của những năm trước, hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng của TP 5 năm qua. Nếu ở nhiệm kỳ trước, việc huy động nguồn lực phát hiện người tốt, việc tốt để khen thưởng chưa triển khai được sâu rộng thì qua Cuộc thi này, công tác thi đua khen thưởng đã làm được điều đó” - ông Nguyễn Công Bằng khẳng định.

Ngoài ra, hàng năm TP đều phát động các phong trào thi đua đặc thù. Trong đó, Hà Nội là đơn vị duy nhất phát động được phong trào thi đua an toàn thực phẩm, đơn vị tiên phong có phong trào xây dựng văn hóa công sở (sau khi Thủ tướng phát động). Hoặc các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, vì người nghèo (Hà Nội đi trước 2 năm)… đều được thực hiện hiệu quả. Song song đó, TP cũng xây dựng các tiêu chí, hoàn thiện tiêu chí hàng năm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nên chất lượng các phong trào thi đua luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị, thực sự trở thành nguồn cổ vũ động viên để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị.

Nâng chất lượng thi viết về gương điển hình tiên tiến

Lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng TP cho hay, từ kết quả đổi mới và dấu ấn tích cực trong các phong trào thi đua 5 năm qua, bước vào nhiệm kỳ mới, Ban đang phối hợp các ngành tham mưu TP xây dựng cụ thể một chương trình công tác toàn khóa cho phong trào thi đua, công tác khen thưởng của TP. Căn cứ đó, sẽ tiếp tục phát động các phong trào thi đua truyền thống của TP như thi đua người tốt việc tốt, thi đua an toàn thực phẩm (dự kiến tổng kết và phát động giai đoạn tới trong tháng 10/2020)… Với phong trào xây dựng nông thôn mới, sau khi TP ban hành bộ tiêu chí nâng cao (đã được xây dựng) thì sẽ phát động thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao.

“Đặc biệt, TP sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng “Cuộc thi phát hiện và viết về gương ĐHTT, người tốt việc tốt” (đang xây dựng kế hoạch, dự kiến ban hành trong tháng 10/2020). Trong đó sẽ chú trọng đổi mới cách thức tổ chức Cuộc thi để có thể phủ kín, sâu, mở rộng hơn về đối tượng tham gia. Ban đang phối hợp các đơn vị công nghệ thông tin để làm sao mang lại tiện ích nhất cho người dự thi, hiệu quả nhất cho công tác phát hiện tuyên truyền” - ông Nguyễn Công Bằng cho biết.
Cũng theo Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP, nhằm ngày càng nâng cao chất lượng Cuộc thi, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách để khai thác nhiều khu vực đối tượng tham gia, huy động được nhiều nguồn lực cho Cuộc thi. Thực tế hiện đã có nhiều người thuộc các đối tượng khác nhau dự thi nhưng để tiện ích nhất cho họ thì cần có giải pháp.
Vì vậy, Ban đang nghiên cứu mở Cuộc thi bằng hình thức trực tuyến, với việc tăng trao đổi qua mạng, mở các đường dây nóng...; từ đó giúp tăng tính quảng bá tuyên truyền, tạo tiện ích hơn cho người dự thi vì có thể gửi bài qua mạng. Ban xây dựng kế hoạch trình TP để trong tháng 10/2020, TP phát động Cuộc thi trực tuyến. Năm nay, TP cũng sẽ ban hành toàn bộ chương trình, kế hoạch tổ chức Cuộc thi cho năm sau và cho cả nhiệm kỳ.

Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, sau 28 năm đến nay trở thành phong trào thi đua trọng tâm, xuyên suốt trong mọi lĩnh vực công tác và đời sống xã hội Thủ đô, được không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, trở thành nòng cốt trong các phong trào thi đua.

5 năm qua, hơn 5.000 cá nhân người tốt, việc tốt tiêu biểu được TP biểu dương, khen thưởng và hơn 30.000 cá nhân người tốt, việc tốt được quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể và đơn vị thuộc TP biểu dương khen thưởng. Hàng năm, TP tiếp tục tôn vinh danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” cho 10 cá nhân có thành tích xuất sắc, nhiều cống hiến, đóng góp cho Thủ đô.


5 năm qua, công tác tuyên truyền, nhân rộng ĐHTT có nhiều nét đổi mới, sáng tạo, tạo lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Trong đó, TP đã chỉ đạo Ban Thi đua - Khen thưởng TP chủ động phối hợp các cơ quan báo chí T.Ư và TP (Nhân dân, Lao động, Kinh tế & Đô thị, Hànộimới, Phụ nữ Thủ đô, Tuổi trẻ Thủ đô…) đẩy mạnh tuyên truyền gương ĐHTT, người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực. Kết quả, đã có trên 2.000 tin, bài được báo, tạp chí đăng tải tuyên truyền về phong trào thi đua, những mô hình, ĐHTT, người tốt, việc tốt của Thủ đô.