[Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị viết từ tâm dịch Covid-19 tại Mỹ] Bài 6: Lao động Việt chật vật sinh tồn tại New York

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Tuy cùng nằm trong “top” 2 bang thịnh vượng nhất nước Mỹ nhưng số phận của California và New York hoàn toàn trái ngược giữa tâm dịch Covid-19. Trong khi, con số lây nhiễm tại California đang “lùi” xuống vị trí thứ 5, New York lại đang “chạy đua với thời gian” khi tỉ lệ tử vong cao hơn bất kỳ quốc gia nào ngoài nước Mỹ.
Hiện đang có mặt tại Mỹ, một trong những cây viết trẻ, từng đoạt giải C trong lễ trao giải báo chí Quốc gia năm 2016 - phóng viên Nguyễn Thị Vân Hằng (sinh năm 1989) của báo Kinh tế & Đô thị - đã có những ghi chép về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nơi đây.
Bài 6: Lao động Việt chật vật sinh tồn tại New York
Khi trao đổi với tôi (phóng viên) qua điện thoại về cuộc sống hiện tại ở tâm dịch New York, 2 người Việt Nam (một 35 tuổi và một 54 tuổi) đều trả lời ngắn gọn: “Khá căng thẳng”. Sự căng thẳng đó ra sao, hình thù thế nào, tôi khó có thể mường tượng qua cuộc trò chuyện cách nhau hơn 4.000km. Duy chỉ với tiếng thở dài của họ khi cúp máy, tôi hiểu, đó thật sự là một cuộc chiến mưu sinh đánh cược cùng tử thần.
Những cuốc xe "sinh tử"

Trước khi cơn bão Covid-19 đổ bộ, New York - TP hưng thịnh nhất nước Mỹ không lúc nào ngơi nghỉ. Nhưng kể từ ngày 19/3, mọi thứ trở nên nghiêm trọng chỉ sau một đêm.

Tất cả thông tin báo chí khắp thế giới viết về New York chỉ còn là các số liệu chết chóc, đau thương. Cả TP New York vẫn đang vật lộn phòng, chống dịch Covid-19.

Một chiếc taxi không có khách giữa phố New York trong đại dịch Covid-19.

Hầu hết người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà. Tuy nhiên, không ít người Việt tại New York vẫn phải tiếp tục công việc, để nuôi sống gia đình và cũng để hỗ trợ những người lao động khác.

Ông Dat Tran - một tài xế taxi 54 tuổi tại New York cho biết, hàng ngày ông vẫn phải tiếp tục lái xe qua từng con phố Broadway, Houston vắng tanh, cố gắng tìm kiếm những hành khách hiếm hoi thuộc diện đi làm các “công việc thiết yếu”.

“Trước đây trung bình một ngày tôi có hơn 20 khách với thu nhập khoảng 300 USD/ngày (bao gồm tiền tip). Giờ tối đa chỉ có 5 đến 7 người (may mắn lắm được 100 USD/ngày).

Suốt 20 năm lái taxi - kể từ khi đặt chân đến Mỹ chưa khi nào tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ tìm kiếm mới chạy được cuốc xe đầu tiên” - ông Dat Tran chia sẻ. Lưu lượng giao thông của New York gần như biến mất, không còn cảnh giới kinh doanh vẫy taxi vào những giờ tan tầm. Đường phố vắng bóng hoàn toàn những đám đông trở về nhà sau mỗi trận bóng hay các hoạt động vui chơi, lễ hội.

Tuy nhiên, như tài xế này tâm sự: “Tôi cũng phải ăn, phải nuôi sống gia đình tại Mỹ và gửi tiền về phụ giúp họ hàng ở Việt Nam. Nếu chỉ ngồi chờ vào gói hỗ trợ của Chính phủ, không thể nào đủ chi phí lo liệu các khoản trên”. Và ông Dat Tran buộc phải lao vào vùng dịch để tìm kiếm khách tại bệnh viện Mount Sinai. Nếu tiếng còi xe 911 và các bệnh viện lớn, nhỏ ở New York trở thành nỗi ám ảnh của người dân, ông Dat Tran cũng không ngoại lệ.

“Ở trên các con phố sầm uất New York hiếm lắm mới thấy một bóng người. Và tất nhiên, họ không có nhu cầu đi taxi. Giờ chỉ còn bệnh viện là đông đúc. Vì vậy, tôi không còn bất kỳ sự lựa chọn nào khác, dù biết nơi này đầy rẫy bệnh tật, chết chóc. Nhân viên tại đây thay ca vào 7-8h tối, vậy nên vào ca làm việc cuối, khi “hên” có thể kiếm được 1-2 khách. Mỗi tối sau khi an toàn trở về nhà từ các cuốc xe “sinh tử” (cách gọi của nhân vật) tôi chỉ biết cầu nguyện và tạ ơn Chúa” - ông Dat Tran thở dài.

Lén lút đi làm nail

New York của 2 tháng trước, tại những tiệm nail ở vùng Rochester (tập trung khá đông nhân viên người Việt) luôn đông nườm nượp khách ra, vào. Giờ chỉ còn khung cảnh vắng lặng, biển “đóng cửa” treo khắp nơi. Chủ tiệm nail không biết xoay xở đâu ra tiền để thanh toán các khoản nợ (tiền mặt bằng thuê 3.000 - 5.000 USD/tháng) sau hai tháng cửa hàng ngừng hoạt động. Nhiều chủ tiệm bật khóc vào ngày 16/4 khi quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ trị giá 349 tỷ USD thông báo cạn tiền.

Nhiều tiệm nail tại New York vẫn chưa có lịch mở cửa trở lại.

Các nhân viên cũng đứng ngồi không yên vì cạn thu nhập chi trả cuộc sống, nghỉ làm đồng nghĩa không có tiền. Gánh nặng cuộc sống, áp lực đại dịch khiến không ít gia đình người Việt tại New York lao đao. Chị M. (34 tuổi) trước khi kể câu chuyện của mình, nhấn mạnh nhiều lần rằng: “Đừng cho tên chị lên báo, gia đình ở Việt Nam đọc được lại lo lắng”.

Chị M. qua New York đã gần 10 năm theo diện kết hôn, từng đó năm chị đi làm nail để kiếm sống. Công việc dù có vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định (hơn 3.000 USD/tháng). Giờ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị phải nghỉ làm, sống cầm cự bằng tiền hỗ trợ từ Chính phủ (1.200USD) và khoản tiết kiệm từ trước.

“Chủ tiệm và nhân viên nail phải “lách” để có tiền chi trả các hóa đơn, dù biết có nhiều rủi ro lây nhiễm . Khi có khách đặt lịch làm móng, chủ hẹn khách tại tiệm. Sau đó thông báo lịch cho chị tới làm. Mọi thứ đều kín kẽ, mở cửa tiệm cho khách quen vào rồi nhanh chóng đóng lại. Nếu không cảnh sát sẽ kiểm tra và phạt nặng. Cuối tuần này, có hai khách quen vừa đặt lịch làm nail tại nhà, chị may mắn có thêm đồng ra, đồng vào. Còn mấy người bạn của chị làm nail ở San Francisco phải ở nhà suốt hai tháng nay, không biết sống ra sao” - chị M. thở dài.

Thống Đốc New York Andrew Cuomo phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13/4 rằng “Con virus Covid-19 rất giỏi trong công việc của nó. Đó là việc giết người.” Tính đến tối 26/4, Mỹ vượt ngưỡng 54.000 người chết vì virus Sars-CoV-2 theo thẩm định của ĐH Johns Hopkins. Tình hình đáng quan ngại như hiện nay càng làm dấy lên căng thẳng về việc dỡ bỏ nhanh chóng các biện pháp phong tỏa và khởi động lại nền kinh tế Mỹ.

Giới chuyên gia nhận định dịch Covid-19 có thể sẽ đẩy nền kinh tế thế giới bước sang giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hiện đại. Thậm chí còn nặng nề hơn cả thời kỳ Đại khủng hoảng (từ cuối thập niên 1920 đến đầu thập niên 1940).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần