Chuyển biến bước đầu
Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng HSSV (Sở GD&ĐT) nhận định, sau 3 tháng làm điểm mô hình này tại 5 trường (THPT Trần Phú, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Kim Liên, Việt Đức) cho thấy, Ban Giám hiệu các trường đã rốt ráo vào cuộc. Cái "được" lớn nhất của kế hoạch lần này là đã thống nhất được việc quản lý học sinh và những phương án xử lý, với tinh thần nghiêm túc và quyết liệt.
Để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông, các trường đã áp dụng các biện pháp rất linh hoạt, từ đẩy mạnh tuyên truyền, sử dụng lực lượng thanh niên xung kích..., phương án quay camera hoặc chụp ảnh làm căn cứ xử lý vi phạm để học sinh "tâm phục, khẩu phục" cũng được đánh giá là có hiệu quả.
Một trong những đơn vị hưởng ứng nhiệt tình phương án này là trường THPT Việt Đức. Đích thân Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình cầm máy quay, "vi hành" tại những điểm trông giữ xe quanh khu vực trường để "bắt tận tay" học sinh vi phạm. Đây cũng là đơn vị thường xuyên có thông tin phản hồi về việc phát hiện, giáo dục học sinh sau khi nhận được thông báo của công an về tình hình học sinh vi phạm để hai bên kịp thời điều chỉnh giải pháp cho hiệu quả.
Theo thống kê, số học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu trong tháng 2/2011 (trước khi thí điểm) của học sinh 5 trường này là 37 trường hợp, đến tháng 3 giảm còn 3 trường hợp, và tiếp tục giảm ở tháng 4 và tháng 5. Nhưng theo đánh giá của Công an TP, thực tế chưa phải là đã hết vi phạm. Để đối phó, khá nhiều học sinh chọn những điểm gửi xe ở xa rồi đi bộ vào trường. Ban Giám hiệu các trường cho rằng, cái khó hiện nay là nhà trường không thể quản lý được việc học sinh gửi xe máy bên ngoài. Việc chụp ảnh, ghi hình khó có thể bao quát được mọi vi phạm. Vì vậy, cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền sở tại một cách chặt chẽ và quyết liệt mới mong có được hiệu quả như mong muốn.
Chỉ nhà trường và công an thôi chưa đủ
"Có thể thấy, mô hình này có tính khả thi cao và có thể áp dụng đại trà trong các nhà trường từ năm học 2011 - 2012" - một vị lãnh đạo Sở GD&ĐT khẳng định. Tuy nhiên, câu hỏi lại được đặt ra là giải pháp hữu hiệu nhất để triển khai mô hình hiệu quả lại không dễ.
Thực tế trong 3 tháng qua, để răn đe, các trường đều thực hiện những hình thức xử lý khá mạnh tay với học sinh vi phạm như cảnh cáo trước toàn trường, hạ một bậc hạnh kiểm, yêu cầu học sinh, phụ huynh ký cam kết... Nhưng, vẫn còn rất nhiều học sinh tiếp tục sử dụng xe máy lén lút là thực trạng được các trường đưa ra. Bởi vậy, nếu chỉ nhà trường nỗ lực, lực lượng công an ráo riết, nhưng chính quyền địa phương, rồi cha mẹ học sinh chưa thực sự vào cuộc thì không thể thành công.
Đại diện lãnh đạo trường THPT Phan Đình Phùng cho rằng, Sở GD&ĐT cần phải "tranh thủ" sự ủng hộ của Thành phố, sự vào cuộc của Ban chỉ đạo ATGT Thành phố mới mong có được tiếng nói xuyên suốt tới cơ sở. Việc triển khai đại trà là cần thiết, nhưng cần sự phối hợp vào cuộc nghiêm túc, triệt để của nhiều lực lượng, trong đó có thầy cô giáo, phụ huynh, mới mong các em "nói không vi phạm ATGT". Một số giải pháp khác cũng được đưa ra như phạt phụ huynh cho con đi học bằng xe máy, đưa danh sách học sinh vi phạm lên mạng, truyền hình, báo chí... Và để cấm triệt để học sinh đi xe máy, phương án tốt nhất là tuyên truyền đến bậc phụ huynh. Chính họ là người giao xe cho con em mình đi học. Khi nào các phụ huynh "thật lòng" ủng hộ nhà trường và không giao xe cho con sử dụng, lúc đó học sinh mới thực sự nói không với việc đi xe máy đến trường.
* Đối với nhà trường, biện pháp kỷ luật phần lớn vẫn mang tính răn đe, giáo dục và không thể đẩy học sinh ra ngoài xã hội. Bởi thế, ngoài sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của nhà trường, công an, chính quyền…, cha mẹ mới là lực lượng nòng cốt và đầu tiên trong việc giáo dục học sinh về ATGT. Có lẽ, nên tính đến giải pháp gửi thông báo việc học sinh vi phạm ATGT về nơi cha mẹ công tác hoặc địa bàn cư trú để nâng cao hơn trách nhiệm. Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức * Theo Công an Thành phố, trong số 10.632 học sinh của 5 trường tham gia thí điểm, chỉ có 47 học sinh có bằng lái xe (chiếm 0,44%). Nhưng đa số khi được sử dụng xe máy lại rất thích thể hiện "tài nghệ lạng lách" |