Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ nữ góp sức xây dựng nông thôn mới

Bài, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội đã chỉ đạo các cấp hội huy động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn học nghề, tạo việc làm…

Không ít mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ đã giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế

Năm 2016, Hội LHPN Hà Nội triển khai rộng khắp Chương trình 02 đến tổ chức hội các quận, huyện, thị xã. Theo đó, cơ sở hội các địa phương đã đăng ký thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế như trồng nấm rơm (Đông Anh), dưa ngọt (Mê Linh), mướp hương, chùm ngây (Thường Tín), lúa chất lượng cao J02 và lúa mới VT505 (Ứng Hòa, Thanh Oai), đu đủ (Đan Phượng), cây ăn quả an toàn (Thanh Trì), nuôi giun quế (Sóc Sơn), miến dong (Quốc Oai)… với sự tham gia của hàng nghìn gia đình hội viên. Để thành lập và phát triển mô hình HTX, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo thành lập các mô hình kinh tế tập thể tổ hợp tác, tổ liên kết như tổ hợp tác chăn nuôi bò (Yên Bài, Ba Vì), tổ hợp tác dệt vải màn (Hòa Xá, Ứng Hòa), tổ nấu cỗ phục vụ các sự kiện (Yên Viên, Gia Lâm)… Bằng sự chỉ đạo quyết liệt và sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên, đến nay, các mô hình này luôn duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ phát triển kinh tế tại địa phương. 
Sản xuất trà chùm ngây tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín.
Sản xuất trà chùm ngây tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín.
Điển hình trong phát triển mô hình HTX phải kể đến HTX xã Yên Viên, huyện Gia Lâm với mô hình tổ nấu cỗ phục vụ các sự kiện. Ban đầu, mô hình này cũng gặp nhiều khó khăn và chỉ có một vài hội viên tham gia. Qua hiệu quả hoạt động thực tế đã lôi cuốn thêm nhiều hội viên. Đến nay đã có hơn 50 hội viên, hoạt động của tổ cũng nhận được những phản hồi tích cực từ phía địa phương. Cụ thể, có ngày tổ nhận nấu cỗ cho 3 - 4 sự kiện, mỗi sự kiện từ 50 - 60 mâm cỗ. Nhờ sự giúp đỡ, quan tâm của Hội LHPN TP, HTX đã giải quyết cho nhiều lao động là chị em phụ nữ, lao động trẻ với mức thu nhập hiện là 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. 

Tổ hợp tác chăn nuôi bò xã Yên Bài, huyện Ba Vì cũng là đơn vị tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM. Ngày đầu thành lập, tổ có 30 hội viên và 69 con bò sữa, qua 3 năm đã phát triển lên 50 hội viên với 243 con bò sữa. Mức thu nhập bình quân của mỗi hội viên là 4 triệu đồng/tháng. Hiện, tổ có một số vốn quỹ tiết kiệm dành cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất ưu đãi, các hộ gặp rủi ro trong chăn nuôi...

Còn không ít khó khăn

Tuy nhiên, những kết quả này mới chỉ là thành công bước đầu. Tại buổi tọa đàm với chủ đề phụ nữ tham gia xây dựng NTM vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết cho rằng, các mô hình kinh tế cần được phát huy hơn nữa. Bởi hiện tại chưa có nhiều sản phẩm có chất lượng và đảm bảo VSATTP, cơ sở còn nhiều khó khăn về vốn, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước... Chưa có các mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn được mạnh dạn đầu tư. Do đó, sản phẩm có lúc bị ép giá, thị trường đầu ra chưa ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, một số mô hình sản xuất còn manh mún, chưa có sự kết nối, liên kết.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, Hội LHPN Hà Nội đề nghị các cấp hội quan tâm, thực hiện tốt việc tổ chức đánh giá hiệu quả các mô hình. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động phụ nữ áp dụng những mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật cao. Các tổ chức hội cần chủ động phối hợp trong khai thác, phát triển kinh tế, đặc biệt về vốn. Tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức cho phụ nữ, phối hợp chặt chẽ với ngành LĐTB&XH trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, hình thành chuỗi liên kết phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.