Phụ nữ thời nay vẫn yếu thế

Hạnh Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng ngàn năm chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo “trọng nam khinh nữ”, cả cuộc đời người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam chỉ được coi như là “cái bóng” của người đàn ông với những quan niệm như “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

Hơn 70 năm kể từ khi quyền của người phụ nữ Việt Nam lần đầu tiên được khẳng định “nam nữ bình quyền” trong bản Hiến pháp 1946, bức tranh bình đẳng giới ở Việt Nam đã có thêm nhiều gam sáng màu, nhưng cũng có những nốt trầm.
Góc khuất của phụ nữ
Hàng ngày, đâu đó trên các trang thông tin vẫn không thiếu những sự kiện về tình trạng ngược đãi phụ nữ ở một gia đình tại vùng cao, hoặc vùng nông thôn. Thậm chí, câu chuyện bạo lực phụ nữ cũng có thể xảy ra ở Thủ đô Hà Nội. Cụ thể như vụ việc người vợ bế con nhỏ còn đỏ hỏn bị chồng hành hung tại gia đình (ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) năm 2019 hay rất nhiều vụ việc khác.
Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) Phạm Ngọc Tiến, tại diễn đàn “Bình đẳng giới và giảm nghèo bền vững”, cũng từng đánh giá: “Phụ nữ Việt Nam vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới, nạn ngược đãi phụ nữ vẫn còn tồn tại ở một số nơi, đặc biệt là ở những vùng, những khu vực trình độ dân trí chưa cao. Chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, vì vậy định kiến về giới còn tồn tại trong xã hội Việt Nam, kể cả ở một số bộ phận cán bộ”.
 Các đại biểu tham gia một buổi hội thảo về bình đẳng giới được tổ chức tại Hà Nội năm 2019.
Bà Lê Thị Mộng Phượng - chuyên gia nghiên cứu Viện Xã hội học đưa ra một dẫn chứng để khẳng định nhận xét nêu trên: “Thường xuyên tham gia các cuộc điều tra về bình đẳng giới, tôi nhận thấy ở khu vực thành thị, những nơi người dân có mức sống cao và trình độ dân trí cao, tình trạng phân biệt giới tính khá hiếm hoi.
Thậm chí ở một số gia đình, người vợ còn có “quyền uy” hơn cả người chồng. Nhưng ở một số nơi mà đời sống còn lạc hậu thì khác. Chúng tôi từng tổ chức cuộc khảo sát ở Lào Cai, 2/3 số phụ nữ được hỏi đều nói tình trạng vợ bị chồng đánh vẫn diễn ra, và “hồn nhiên” trả lời: “Đánh vợ là quyền của chồng, thậm chí nếu vợ sai thì không những bị đánh, mà bỏ về nhà thì bố mẹ đẻ cũng không “chứa chấp’”.
PGS.TS Lê Thị Quý cho biết: “Bản thân tôi đã từng chứng kiến những vụ việc bạo hành có những tình tiết không thể tưởng tượng nổi nếu không chứng kiến tận mắt. Một ông chồng ở Thái Bình vừa chửi vợ vừa thu âm, sau đó ngày ngày mở lại băng đó bắt vợ phải nghe, rồi bắc loa chĩa sang nhà bố mẹ vợ.
Cũng ở Thái Bình, một anh chồng lột trần truồng vợ dong đi khắp làng trên xóm dưới bêu riếu chỉ vì nguyên nhân: Chị vợ đi ra đường gặp người yêu cũ, chào hỏi nhau một câu, anh chồng bắt gặp và nổi cơn ghen”. Những vụ việc kể trên dù mang tính chất điển hình nhưng rõ ràng cách ứng xử với phụ nữ ở một bộ phận người dân vẫn còn nhiều điều để bàn.
Bình đẳng không từ những bông hoa
Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) được kỷ niệm lần đầu vào năm 1911 nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng. Hơn 1 triệu người ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sỹ đã cùng nhau diễu hành đòi quyền cho phụ nữ được bầu cử và được tham gia các cơ quan công quyền. Họ cũng phản đối những hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính liên quan đến việc làm. Từ đó, qua dòng thời gian, Ngày Quốc tế Phụ nữ cũng đã trở thành dịp để ghi nhận những thành tựu của phụ nữ trên khắp thế giới, cũng như là thời điểm để phụ nữ đoàn kết lại đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng trên mọi lĩnh vực - và đặc biệt là, tại nơi làm việc.
Những nhà lãnh đạo ở Việt Nam đã vạch ra một cách đúng đắn nguyên tắc về bình đẳng giới, và vì vậy, Bộ luật Lao động quy định phụ nữ phải được đối xử bình đẳng trong lao động. Tuy nhiên, cũng như ở nhiều quốc gia khác, Việt Nam còn cả một quãng đường dài phía trước để đưa nguyên tắc vào thực tế, để thật sự đạt được bình đẳng trong đối xử, quyền, và cơ hội.
Mặc dù có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức cao so với mặt bằng chung của thế giới, lao động nữ ở Việt Nam lại thường tập trung ở khu vực phi chính thức - nơi thiếu vắng sự bảo vệ và ổn định. Trong số những người lao động làm công ăn lương, thu nhập của phụ nữ trung bình ít hơn nam giới tới 12%.
Và thử hỏi bạn có thường xuyên gặp phụ nữ ở cấp lãnh đạo không? Chắc chắn là không, bởi Báo cáo điều tra lao động việc làm mới nhất cho thấy chỉ 27% lãnh đạo trong các ngành, cấp, đơn vị là nữ giới. Những con số này nói lên tất cả. So với nam giới, phụ nữ còn gặp quá nhiều rào cản trên con đường phát triển sự nghiệp.
Bởi vậy, vào dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ, hay ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) thay vì tặng hoa hay tung hô phụ nữ như những “vẻ đẹp thụ động”, chúng ta cần chú ý tới những nỗ lực thật sự nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nêu gương những nhà lãnh đạo nữ, những doanh nhân nữ, khuyến khích tranh luận về những thách thức cản trở bình đẳng, và làm thế nào để tiếng nói của phụ nữ được thực sự lắng nghe.

"Phụ nữ Việt Nam vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới, nạn ngược đãi phụ nữ vẫn còn tồn tại ở một số nơi, đặc biệt là ở những vùng, những khu vực trình độ dân trí chưa cao. Chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, vì vậy định kiến về giới còn tồn tại trong xã hội Việt Nam, kể cả ở một số bộ phận cán bộ." - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) Phạm Ngọc Tiến


Đã đến lúc hai giới cùng nhìn lại chính sách và pháp luật

"Sự tách rời giữa một bên là cách tiếp cận theo hướng bảo vệ của pháp luật hiện nay và một bên là năng lực đã được chứng minh và mong muốn của người phụ nữ, đã ngày một lớn hơn, và yêu cầu thay đổi trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó, có lẽ, đã đến lúc Việt Nam trả lại ý nghĩa thật sự cho Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay.

Đã đến lúc phụ nữ và nam giới cùng nhìn lại những chính sách và pháp luật xem khung pháp lý hiện nay có thật sự giúp cho mọi người lao động - và đặc biệt là những người lao động nữ tương lai - tối ưu hóa tiềm năng của họ, để họ có thể phát triển trong công việc, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, đồng thời được hưởng tiền lương họ xứng đáng được hưởng đổi lại công sức lao động. Điều đó có ý nghĩa hơn nhiều so với việc ngắm những bó hoa được tặng một hai ngày trong năm." - Chuyên gia cao cấp về Luật Lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Andrea Prince


Thành công của phụ nữ đáng tự hào hơn nhiều lần của đàn ông

"Là một nữ lãnh đạo, thời gian của tôi dành cho điều hành, đối ngoại, đối nội gần như kín hết. Có những lúc tưởng như quá sức với mình thật nhưng không hiểu sao sức mạnh phi thường nào đó đã làm cho tôi vẫn rất hạnh phúc trong cả công việc và chăm lo gia đình.

Giờ đây, khi tham gia công tác cộng đồng tôi thấy thật hữu ích. Bởi nó mang lại cho tôi những giá trị sống, sự hồi sinh để tái tạo năng lượng làm việc và cống hiến cho chính công việc và cho việc nuôi dạy con cái, chăm sóc quan tâm đến những người thân trong gia đình.

Tôi thấy rằng, phụ nữ làm lãnh đạo sẽ vất vả gấp đôi, thậm chí 3 - 4 lần so với đàn ông làm lãnh đạo. Vì họ vừa phải chăm lo gia đình, vừa phải gồng gánh trách nhiệm người đứng đầu đơn vị kinh doanh. Chính vì vậy, thành công của phụ nữ sẽ đáng tự hào và đáng ngợi ca hơn nhiều lần đàn ông." - Tổng Giám đốc Hệ thống Anh ngữ quốc tế Ocenan edu Việt Nam, doanh nhân Vũ Thị Thanh Loan (Lan Ngọc ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần