Phụ nữ trẻ dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân hơn nam giới

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nam giới và phụ nữ ở Việt Nam chia sẻ việc nhà nhiều hơn so với các nước. Thế nhưng, giữa đàn ông và các em trai với phụ nữ và các em gái vẫn tồn tại sự chênh lệch về thời gian dành cho các công việc gia đình.

Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất từ dự án “Đo lường việc làm của phụ nữ” được đưa ra tại Hội thảo Đo lường công việc không được trả lương theo giới: Xem xét dưới phạm vi kinh tế vĩ mô và hộ gia đình. Hội thảo được tổ chức vào chiều 23/5.
Các ngành định hướng xuất khẩu chính trong sản xuất đều sử dụng nhiều lao động nữ. Ảnh: Internet.
Những phát hiện chính của nghiên cứu cho thấy, năm 2015, người Việt Nam trưởng thành (20 tuổi trở lên) đã dành 22,3 giờ một tuần cho công việc được trả công trên thị trường và 32,6 giờ một tuần cho công việc chăm sóc và công việc gia đình không được trả công.
Đối với phụ nữ, số giờ làm việc một tuần cho công việc được trả công trên thị trường là 19,7 giờ và dành 38,7 giờ một tuần cho công việc chăm sóc và công việc gia đình; trong khi ấy nam giới là 25,1 giờ và 26,2 giờ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, ở Việt Nam, công việc chăm sóc và công việc nhà không được trả công chiếm 61% tổng thời gian làm việc, trong đó phụ nữ thực hiện 60%. Phụ nữ cũng tham gia 45% công việc trên thị trường.

Trẻ em gái dành ít thời gian cho việc học hơn so với các em trai. Ở tuổi 18, các em gái và em trai đã dành 28 giờ và 33 giờ mỗi tuần tương ứng đến trường và học tập.

Tại Việt Nam, trẻ em trai và em gái từ 10 đến 16 tuổi dành trung bình 29 giờ một tuần cho việc học tập. Trong đó các em trai dành 31 giờ và em gái dành 27,1 giờ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, vẫn còn một khoảng thời gian làm việc thiệt thòi hơn cho các em gái ở Việt Nam. Cụ thể, từ 10 đến 16 tuổi, các em trai làm trung bình 48 giờ làm việc mỗi tuần, trong đó 39% công việc từ thị trường và 61% công việc gia đình và chăm sóc không lương. Các em gái làm trung bình 50 giờ làm việc mỗi tuần, 33% trong đó làm việc trên thị trường và 67% là công việc chăm sóc không lương và việc nhà. Tuy nhiên, nghiên cứu kết luận số giờ làm việc của trẻ em gái Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trên thế giới.

Số liệu nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ dành nhiều thời gian thực hiện công việc chăm sóc và làm việc nhà nhiều hơn nam giới ở hầu hết các lứa tuổi. Mặt khác, nam giới tập trung nhiều vào công việc được trả công.

Không những thế, đàn ông trưởng thành có nhiều hơn 10 giờ để giải trí và chăm sóc bản thân hơn là phụ nữ trưởng thành. Nhưng, phụ nữ trẻ tuổi và các em gái dành nhiều thời gian giải trí và tự chăm sóc bản thân nhiều hơn 4,6 giờ một tuần so với nam giới ở tuổi 18, mặc dù nam giới dành nhiều hơn từng ấy giờ cho việc học tập.

Khoảng cách giới tính lớn nhất trong thời gian giải trí và chăm sóc bản thân xuất hiện ở tuổi 41, khi nam giới dành nhiều hơn 9,1 giờ mỗi tuần so với phụ nữ và hơn 1 giờ mỗi ngày. Khoảng cách này phần nào được đảo ngược ở các độ tuổi cao nhất.

Tại hội thảo này, TS Anindva Chatterjee - Giám đốc Văn phòng Châu Á nhấn mạnh nghiên cứu đã mổ xẻ về vấn đề giới. “Sự thành công của phụ nữ Việt Nam sẽ khích lệ các nước khác trong khu vực và trên thế giới”. Cụ thể như, thị trường lao động của Việt Nam đã có sự tham gia của phụ nữ. Sự chú trọng của Việt Nam vào vấn đề bình đẳng giới đã tạo nên thành công của Việt Nam thu hẹp khoảng cách về giới trong việc đến trường...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần