Phú Quốc cải thiện môi trường sông Dương Đông thế nào?

Hồng Lĩnh - Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/11, UBND tỉnh Kiên Giang và TP Phú Quốc tổ chức hội thảo đánh giá hiện trạng ô nhiễm và đề xuất giải pháp cải thiện môi trường sông Dương Đông - con sông có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn dự trữ, cung cấp nước chính cho sinh hoạt và sản xuất của "đảo ngọc".

Báo cáo tại hội thảo, ông Đoàn Hữu Thắng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Kiên Giang cho biết, sông Dương Đông là một trong 2 con sông lớn trên đảo Phú Quốc, với chiều dài sông chính khoảng 21,5km, đoạn chảy qua phường Dương Đông khá rộng, nước biển xâm nhập sâu tới 10km. Lưu vực có diện tích khoảng 104km2. Ở thượng nguồn có hồ chứa nước Dương Đông (hồ chứa nước lớn nhất của TP) dự trữ và cung cấp nước chính cho nhà máy nước Phú Quốc, cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ phường Dương Đông và các khu vực lân cận.
Lưu vực sông Dương Đông có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, là nguồn dự trữ, không những cung cấp nước chính cho sinh hoạt mà cả hoạt động sản xuất (công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản...).
Một số công trình nghiên cứu cho thấy, lưu vực sông Dương Đông có tính đa dạng sinh học cao, số lượng loài động, thực vật phong phú, trong đó có nhiều loài có ý nghĩa kinh tế và bảo tồn cao, góp phần vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cộng đồng, đặc biệt là trong hoạt động du lịch sinh thái.
Một đoạn sông Dương Đông. 
Tuy nhiên, hoạt động phát triển kinh tế xã hội đã gây ra những tác động xấu đến môi trường đảo Phú Quốc nói chung và chất lượng môi trường sông Dương Đông nói riêng. Qua kết quả quan trắc diễn biến hiện trạng chất lượng nước mặt lưu vực sông Dương Đông do Sở TN&MT thực hiện từ năm 2018 - 2021 cho thấy có nhiều thông số ô nhiễm hữu cơ có trong nước còn vượt quy chuẩn cho phép. Chất lượng môi trường nước tại các điểm quan trắc không đáp ứng cho mục đích cấp nước sinh hoạt (cột A), chỉ đáp ứng mục đích tưới tiêu, thủy lợi, giao thông (cột B1), chưa cải thiện so với các kết quả quan trắc năm 2015 và 2016.
Đặc biệt, vào thời điểm quý 2/2019, Sở TN&MT đã phối với hợp nhiều cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát sông Dương Đông và một số rạch tiếp giáp, phát hiện nước có hiện tượng màu đen tại một số đoạn sông và xuất hiện tình trạng cá chết. Tiến hành thu mẫu nước và phân tích, kết quả hàm lượng oxy trong nước không đạt so với quy chuẩn cho phép là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cá bị chết và nguồn nước bị ô nhiễm chất dinh dưỡng, chất hữu cơ...
Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Dương Đông là do khu vực chưa có hệ thống thu gom, thoát và xử lý nước thải đô thị đồng bộ, tập trung; nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại chưa được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý triệt để.
Việc lấn chiếm lòng sông, suối và hoạt động neo đậu của các tàu thuyền với mật độ dày đặc làm suy giảm nghiêm trọng dòng chảy tự nhiên của sông, làm tăng tình trạng bồi lắng, tích tụ bùn đáy và trong thời gian dài sông Dương Đông chưa được nạo vét, cải tạo dẫn đến tình trạng bùn lắng càng nhiều, làm cản trở dòng chảy gây ngập úng khi mưa lớn, tăng mức độ ô nhiễm nước sông Dương Đông.
Ngày 12/4/2018, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 891/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Qua 3 năm triển khai, đến nay việc khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường trên lưu vực sông đã thực hiện tập trung xử lý các sông, rạch có dấu hiệu ô nhiễm, tăng cường công tác thu gom rác thải trên sông; thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy, thu gom rác thải trên sông, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa…
Bên cạnh các công tác đã thực hiện, kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và dự án ưu tiên thực hiện chương trình còn chậm. Chưa xây dựng được hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường cho phường Dương Đông nên nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chỉ được xử lý tại hệ thống xử lý của cơ sở và các hộ dân được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại sau đó thải ra môi trường.
Việc di dời các cơ sở sản xuất nước mắm vào khu sản xuất tập trung nhằm duy trì, bảo tồn làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm được địa điểm để thực hiện di dời các nhà thùng nước mắm vào khu sản xuất tập trung do khó khăn trong công tác hỗ trợ di dời và giá thuê đất. Công tác xử lý rác trên địa bàn TP còn gặp nhiều khó khăn do chưa có nhà máy xử lý rác vận hành ổn định, hiệu quả…
Rạch Cầu Sấu ở Phú Quốc cũng bị ô nhiễm.
Theo công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang, hiện nay hệ thống cấp nước sạch cho các xã/phường của Phú Quốc đã gần hết công suất. Nhà máy nước Dương Đông có công suất thiết kế 24.000m3/ngày thì đã cung cấp bình quân khoảng 21.000-23.000m3/ngày. Nguyên nhân chính do nhu cầu sử dụng nước tăng vượt dự báo, trong những năm tới sẽ khó đáp ứng nếu không tăng công suất.
Về hệ thống thoát nước, mặc dù có tổng cộng 394km đường cống thoát nước (đạt tiêu chí đô thị loại II) nhưng những năm gần đây TP thường bị ngập cục bộ do mưa, có nơi ngập sâu hơn 1m. Nguyên nhân do tốc độ xây dựng đô thị quá nhanh, mật độ xây dựng và độ nén đô thị cao khiến cống quá tải.
Trong khi đó, hiện chỉ có một số ít khu nghỉ dưỡng cao cấp trên đảo là được trang bị hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Còn lại hầu hết nước thải sinh hoạt của hơn 144.000 dân và hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh trên đảo đều xả trực tiếp không qua xử lý ra sông, suối, kênh rạch đổ vào một số nhánh sông lớn như sông Dương Đông, rạch Cửa Cạn, rạch Cầu Sấu, rạch Tràm… rồi đổ ra biển.
Tình trạng nước thải sinh hoạt không qua xử lý khiến hầu hết sông, suối, rạch trên đảo Phú Quốc đều lâm vào tình trạng nước chuyển màu đen, ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới chất lượng nước biển ven bờ xung quanh đảo, vốn thuộc phạm vi khu bảo tồn biển Phú Quốc và là một phần của khu dự trữ sinh quyển thế giới tỉnh Kiên Giang.
Về nhu cầu sử dụng nước, dự báo đến năm 2030, Phú Quốc cung cấp nước sạch cho khoảng 500.000 người với công suất 120.000m3/ngày. Đồng thời, phải thu gom và xử lý khoảng 72.000m3 nước thải/ngày, trong đó gần 5.000m3 là nước thải công nghiệp…
Quá trình quản lý bền vững nguồn nước ở Phú Quốc hiện gặp những khó khăn chính, gồm: Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 và các điều chỉnh cục bộ phê duyệt chưa điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm công tác chuẩn bị kỹ thuật và thoát nước mặt. Các công trình ưu tiên giai đoạn đến năm 2020 về cấp nước, thoát nước mặt và xử lý nước thải đầu tư chậm so với dự báo quy hoạch.
Nhà máy nước Dương Đông hiện không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung trong những năm tiếp theo. Mặt khác, TP chưa có công trình xử lý nước thải tập trung…
Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, vấn đề quản lý bền vững nguồn nước ở Phú Quốc đã trở nên cấp bách. Sau hội thảo này, các bên liên quan sẽ khẩn trương lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật và tiến hành các thủ tục tiếp theo để trình các bộ, ngành và trình Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư dự án…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần