Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phú Thọ chuẩn bị phổ cập hát xoan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bắt đầu từ năm học 2013 - 2014, tất cả các cấp học của tỉnh Phú Thọ sẽ được học hát xoan. Đến năm 2015, Phú Thọ sẽ có 30% người dân hiểu về hát xoan, 10% biết hát xoan. Đến năm 2020, Phú Thọ phấn đấu phổ cập hát xoan đến toàn bộ người dân...

Những thông số này khiến các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng Phú Thọ chuẩn bị "xoan hóa" và "ngợp" trong xoan.

Sân khấu hóa di sản

Theo đề nghị của Sở VHTT&DL Phú Thọ, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã chấp thuận phương án xây dựng kế hoạch dạy hát xoan trong nhà trường giai đoạn 2012 - 2015. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, từ tháng 11/2012, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ tiến hành bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, đồng thời, mua sắm trang thiết bị, in ấn tài liệu hát xoan.

Phú Thọ chuẩn bị phổ cập hát xoan - Ảnh 1

Với mục đích truyền dạy và phổ biến hát xoan, trong đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát xoan giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ đã xây dựng mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2015, phấn đấu 30% người dân Phú Thọ hiểu biết về hát xoan, riêng TP Việt Trì là 50%, tỷ lệ người dân biết hát xoan là 10% và Việt Trì là 25%. Đến năm 2020, tỷ lệ này có thể được nâng lên là 60 - 80%. Ghi nhận sự vào cuộc nhanh chóng của Phú Thọ trong việc bảo vệ hát xoan, song nhìn vào các thông tin mà đề án bảo tồn và phát huy giá trị hát xoan đưa ra, PGS.TS Nguyễn Chí Bền, PGS.TS Đặng Văn Bài, TS Nguyễn Thị Minh Lý, GS.TS Lưu Trần Tiêu... đều "choáng ngợp" trước tình trạng xoan hóa, đưa hát xoan thành nghệ thuật trình diễn nhiều hơn đề cao giá trị văn hóa.

Ông Nguyễn Chí Bền cho rằng: "Chúng ta đã đặt trên vai học sinh quá nhiều gánh nặng, quá nhiều di sản được đề nghị đưa vào nội dung giảng dạy. Bây giờ lại thêm hát xoan nữa liệu có hiệu quả? Theo tôi, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cần có ý kiến thẩm định trước các đề án đưa ra". GS.TS Tô Ngọc Thanh lưu ý chủ nhiệm đề án cần tránh đi vào "vết xe đổ" của nhiều di sản khác là sân khấu hóa hát xoan...

Bên cạnh ý kiến phản đối, cũng có nhiều ý kiến đồng tình và yêu cầu chỉnh sửa đề án. TS Nguyễn Thị Minh Lý quan niệm, không nên bỏ qua cơ hội giáo dục di sản cho học sinh. Bản thân các nhà làm di sản sẽ có cách giáo dục hấp dẫn mà không lý thuyết, khô cứng. TS Đoàn Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ GD&ĐT của Bộ VHTT&DL lưu ý, cần bám sát vào hướng dẫn của Bộ về đưa di sản vào các cấp. Ông Hùng quan niệm, rất có thể quá trình giảng dạy cho học sinh sẽ tìm được nguồn nhân lực trẻ cho di sản. Cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song các nhà nghiên cứu đã nhất trí, tỉnh Phú Thọ nên tập trung bảo tồn 4 phường xoan gốc hơn là bảo tồn mang tính dàn trải như hiện nay, vừa không hiệu quả lại vừa gượng ép.

Đề án bảo tồn đầu tiên

Đề án bảo tồn và phát huy giá trị hát xoan vừa đưa ra đã được sửa thảo lần 2 với nguồn kinh phí dự tính là 196 tỷ đồng, thấp hơn so với kinh phí dự tính ban đầu là hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đều lưu ý về tính khả thi của việc thu hút nguồn vốn. Đặc biệt, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chỉ có thể hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này. Ngoài ra, đề án còn tách biệt việc bảo tồn di sản hát xoan với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong khi theo PGS.TS Đặng Văn Bài: "Hát xoan là một biểu hiện điển hình của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tại sao chúng ta không gộp 2 đề án làm 1. Nếu tách biệt và làm thêm đề án tốn gần 200 tỷ đồng bảo tồn thì lấy đâu ra?".

Các nhà khoa học và đơn vị quản lý tập trung bày tỏ quan điểm về những mặt chưa được của đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát xoan giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020. Nhưng phải công nhận rằng, so với 5 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, mặc dù di sản hát xoan Phú Thọ được công nhận sau, nhưng lại là nơi đầu tiên có đề án bảo tồn và phát huy giá trị. Tỉnh Phú Thọ cũng là nơi thực hiện tốt chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân hát xoan, trước khi Nghị định xét tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú được ban hành. Chính điều này đã góp phần bảo vệ hát xoan, dễ dàng hoàn thành mục tiêu đưa di sản khỏi danh sách cần bảo vệ khân cấp trong thời gian tới.