Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phục dựng bức tranh trang phục Việt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không chỉ phục dựng bức tranh trang phục Việt nam từ thời Lý đến thời Nguyễn, cuốn sách "Ngàn năm áo mũ" của tác giả Trần Quang Đức, ra mắt sáng 27/6 tại Hà Nội, còn giúp độc giả hiểu thêm về đời sống, văn hóa, lịch sử và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt Nam và Trung Hoa qua các triều đại.

Cách tân độc đáo

Bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và trong dân gian gần 1.000 năm (1009 - 1945) đã hiện lên rõ nét. Theo tác giả cuốn sách, trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Lấy thể chế và văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo nên trang phục cung đình Việt Nam có được sự uy nghiêm, chuẩn mực. Tuy nhiên, ở nhiều thời kỳ đã có những cách tân độc đáo, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt. Để làm rõ điều này, "Ngàn năm áo mũ" đã mô tả chi tiết, tỷ mỉ, sống động nhiều dạng trang phục như bộ Lễ phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương Quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu…

Phục dựng bức tranh trang phục Việt - Ảnh 1

Bìa cuốn sách "Ngàn năm áo mã"

Trong khi đó, trang phục dân gian Việt Nam thời phong kiến tự chủ nhìn chung khá ổn định về kiểu dáng và hình thức. Trang phục của tầng lớp thường dân phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà. Mãi đến năm 1744 mới có một cuộc cải cách lớn trong trang phục dân gian, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát thực thi các sắc lệnh thay đổi toàn bộ triều nghi phẩm phục trong cung đình cũng như ngoài dân gian ở Đàng Trong, cấm tất cả các kiểu áo quần, yếm váy, khăn mũ thời trước, bắt buộc mặc quần chân áo chít (tức áo năm thân, áo dài). Đến thời vua Minh Mạng thì lối ăn mặc này được áp dụng cho toàn nước Việt, để rồi chiếc áo dài đi vào đời sống dân gian.

Chỗ dựa cho điện ảnh

Năm 2010, khi các bộ phim lịch sử Việt Nam như "Đường tới thành Thăng Long", "Huyền sử thiên đô", "Thái sư Trần Thủ Độ" gặp phải phản ứng của dư luận vì mang nhiều màu sắc Trung Quốc, tác giả Trần Quang Đức càng quyết tâm thực hiện cuốn sách này. "Để dựng nên bức tranh phục trang này một cách khách quan và chân thực, tác giả Trần Quang Đức đã tìm kiếm và xử lý một lượng tư liệu lớn, cố gắng truy nguyên nguồn gốc, tìm ra tư liệu gốc chuẩn làm cơ sở, diễn dịch những tư liệu đó một cách chuẩn xác. Tác giả cũng cung cấp nhiều tư liệu tranh tượng, tiến hành khảo sát thận trọng dựa trên tính đồng đại của hiện vật, kết hợp hiện vật với những mô tả trong thư tịch tương quan" - Ths Phạm Văn Ánh, Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam nhận định. Chính vì thế, cuốn sách sẽ là tư liệu quý phục vụ việc làm phim lịch sử. Như ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam bày tỏ: "Trước đây, các họa sĩ phim lịch sử thường thiết kế trang phục dựa trên các tư liệu manh mún thu thập được và trí tưởng tượng của bản thân. Bây giờ có cuốn sách "Ngàn năm áo mũ", họ đã có tài liệu tốt, đầy đủ, chi tiết về trang phục Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn để thiết kế phục trang sao cho đúng lịch sử. Tôi cho rằng, cuốn sách là tài liệu rất quý cho những người làm điện ảnh".

 Có thể nói, "Ngàn năm áo mũ" có thể bù đắp phần nào những thiếu hụt về tư liệu trong lịch sử trang phục Việt Nam. Cùng với ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài.