Phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19: Giải pháp nào?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đại dịch Covid-19 có những tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế, triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn có những tín hiệu tích cực. Các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” tổ chức ngày 5/12.

5 nhóm giải pháp cấp bách phục hồi kinh tế

Nhìn lại kinh nghiệm của các nước châu Á trong việc thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, qua đó rút ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam đưa ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu.

Ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam

Thứ nhất, do khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, do vậy, về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn đối với y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, về dài hạn hơn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Thứ ba, các gói hỗ trợ của Việt Nam nên ưu tiên cho các biện pháp ngắn hạn, như hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp. Bởi biện pháp ngắn hạn sẽ tác động đến tiềm năng, sự phát triển của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.

Thứ tư, trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, Việt Nam nên thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tập trung vào phát triển hạ tầng xanh, chuyển đổi số... Thứ năm, Việt Nam nên tăng cường vào hợp tác quốc tế, giữa các nước, các khu vực với nhau cũng như các tổ chức quốc tế.

Mức độ phục hồi phụ thuộc lớn vào tỷ lệ tiêm chủng

Liên quan đến “khuyến nghị chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế”, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi bất chấp các đợt dịch Covid bùng phát, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng trong bối cảnh giá đầu vào ngày càng tăng và chuỗi cung ứng gián đoạn. Tiến trình hồi phục này là có lợi cho Việt Nam, tuy nhiên, mức độ phục hồi của các nước phụ thuộc lớn vào tỷ lệ tiêm chủng. Tăng trưởng sụt giảm mạnh trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở mức thấp để lại những vết sẹo trong trung hạn tại các nước mới nổi và đang phát triển với không gian chính sách hạn chế, phụ thuộc vào lĩnh vực du lịch.

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam

Về phản ứng chính sách tài khóa, ông Francois Painchaud cho rằng, quy mô các biện pháp hỗ trợ tài khóa ở các nền kinh tế phát triển có thể không áp dụng được ở các quốc gia đang phát triển bao gồm Việt Nam, các hỗ trợ chính sách cần được tinh chỉnh dựa trên tình hình phát triển kinh tế cũng như diễn tiến dịch bệnh ở từng nước. Các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cần đi kèm với các hỗ trợ về mặt chính sách cần thiết, kịp thời cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chúng ta hướng tới việc mở cửa trở lại. Đặc biệt ở Việt Nam, khi tiến trình hồi phục đang được triển khai hiệu quả, cần tập trung vào tăng trưởng bền vững, tạo sức chống chịu cao.

Theo ông Francois Painchaud, trong năm 2021, Việt Nam đối mặt với đợt dịch bùng phát lớn hơn và dai dẳng hơn, khiến nền kinh tế gián đoạn nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đặc biệt là ở khu vực phi chính thức. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải rất nhiều thách thức trước dịch bệnh. Hiện Việt Nam đang gỡ bỏ các rào cản, dần hồi phục lại nền kinh tế. Đại diện IMF khuyến nghị Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi cần thiết như: tạo không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; áp dụng biện pháp chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng mục tiêu phục hồi và phát triển của Việt Nam là có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn, cần phục hồi mạnh mẽ, cải thiện khả năng chống chịu trước đại dịch, quyết liệt cải cách cơ cấu và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Francois Painchaud nhấn mạnh, các chương trình hồi phục đã được chính quyền Việt Nam cân nhắc để đưa ra những cải cách nhằm nâng cao năng suất nhưng kế hoạch cải cách này cần được thực hiện một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần