Tín hiệu vui Huyện Phúc Thọ được quy hoạch là vành đai xanh, vùng sinh thái, phát triển du lịch và nông nghiệp sạch, chất lượng cao của TP. Điều này cũng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh cũng như tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Đi lên chủ yếu bằng nông nghiệp, những năm qua, huyện Phúc Thọ đã dành khá nhiều sự ưu tiên đầu tư, từ công tác lập quy hoạch đến triển khai các chương trình, dự án phát triển sản xuất. Kết quả, bước đầu huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp có sản phẩm lợi thế như rau muống tiến vua xã Sen Chiểu, rau an toàn xã Thanh Đa, thịt lợn an toàn sinh học xã Cẩm Đình, chuối xã Vân Nam…
Trong bối cảnh ATTP ngày càng được quan tâm, huyện Phúc Thọ là một trong những địa phương mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhà màng, nhà lưới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, huyện cũng tích cực mời gọi các DN đầu tư phát triển các mô hình, vùng sản xuất chuyên canh áp dụng công nghệ cao. Ông Hoàng Mạnh Phú - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, thời gian qua đã có một số DN về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện. Trong đó, Công ty TNHH Xuân Cầu đã báo cáo huyện và TP thuê 4ha đất ở xã Vân Nam để phát triển sản xuất sạch theo công nghệ Israel, Công ty TNHH Vinagap thuê đất để sản xuất rau hữu cơ… Đặc biệt, Công ty TNHH Ba Huân đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại thị trấn Phúc Thọ với quy mô 2ha, tổng vốn đầu tư trên 120 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ tháng 5/2016, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2017 với công suất xử lý 65.000 quả trứng/giờ. Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội cho biết, sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ thu mua một lượng lớn trứng gia cầm, hỗ trợ đầu ra cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phúc Thọ và các vùng lân cận. Đồng thời, cung cấp một nguồn trứng gia cầm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Đẩy mạnh liên kết Nắm bắt được xu hướng sản xuất sạch đang ngày một trở thành hướng đi chủ đạo của ngành nông nghiệp, huyện Phúc Thọ đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho DN, HTX, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, huyện tổ chức đoàn công tác đưa nông dân đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất trong nhà màng, nhà lưới tại Đà Lạt (Lâm Đồng), sau đó hỗ trợ nông dân làm mô hình điểm. Đồng thời, để đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, huyện Phúc Thọ còn hỗ trợ các HTX 50% kinh phí mua máy cấy, 10% chi phí mua máy gặt đập liên hợp. Huyện cũng tích cực vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, để các mô hình đạt hiệu quả cao phải có sự liên kết với DN nhằm bao tiêu sản phẩm hàng hóa cho nông dân. Thực tế hiện nay, phần lớn các mặt hàng nông sản của nông dân làm ra do thương lái thu mua nhỏ lẻ nên giá cả không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Thời gian qua, một số DN đã bắt tay với nông dân huyện Phúc Thọ triển khai các chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm sạch như thịt lợn an toàn sinh học tại xã Thọ Lộc, song liên kết còn thiếu bền chặt và chưa được nhân rộng. Hiện nay, để các DN đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ vẫn còn một số rào cản, trong đó có vấn đề đất đai. Theo ông Phú, một số DN ngỏ ý muốn thuê đất để phát triển sản xuất nhưng người dân chưa đồng thuận cho thuê. Điều này khiến cho DN e ngại đầu tư và ảnh hưởng tới cả việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Khẳng định địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo huyện Phúc Thọ cũng kêu gọi người dân trên địa bàn hợp tác với DN để cùng phát triển. Khi đó, nông dân có thể trở thành công nhân, ngoài số tiền thuê đất còn được trả lương hàng tháng.
Giới thiệu một số nông sản tiêu biểu của huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện |