Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phúc Thọ tổ chức thi... trâu khỏe

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hai ngày mùng 3 và 4/9, tại sân vận động huyện Phúc Thọ đã diễn ra “Hội thi trâu khỏe phong trào nông dân Phúc Thọ 2016”.

Theo phản ánh của bạn đọc  báo Kinh tế & Đô thị, Hội thi trâu khỏe trải qua nhiều vòng đấu để tìm ra trâu đạt giải Nhất. Vé vào xem Hội thi được bán với mức  giá 150.000 đồng/vé/người, vé VIP là 200.000 đồng. Trong sáng 4/9, buổi cuối cùng để phân định trâu thắng cuộc, có hàng ngàn người tham gia cổ vũ cho Hội thi. Bên ngoài sân vận động, những phản thịt trâu được bày bán la liệt, mỗi kg thịt được bán với giá cao gấp 3 - 4 lần so với giá thịt trâu ngoài chợ. Các bãi trông xe tự phát cũng mọc lên khá nhiều gần khu vực diễn ra Hội thi. Giá vé trông xe được đẩy lên 50.000 đồng/lượt cho xe ô tô, và 10.000 đồng/lượt dành cho xe máy.
Thịt trâu được bày bán với giá cao ngay ngoài sân vận động huyện Phúc Thọ, nơi diễn ra Hội thi (ngày 4/9). Ảnh: Linh Anh
Thịt trâu được bày bán với giá cao ngay ngoài sân vận động huyện Phúc Thọ, nơi diễn ra Hội thi (ngày 4/9). Ảnh: Linh Anh
Khi được hỏi về Hội thi này được tổ chức có đúng quy định, ông Vũ Hồng Hải – Phó Trưởng phòng VH&TT huyện Phúc Thọ cho biết: “Tôi không được phân công trả lời cơ quan báo chí. Tuy nhiên, sáng 4/9, tôi có tham gia trong bộ phận trọng tài chấm trâu khỏe của Hội thi. Hội thi không có màn chọi trâu mà chỉ là 2 con trâu đấu đầu vào nhau để phân ra trâu khỏe. Trâu nào khỏe thì tôi chấm cho đoạt giải”. Cũng theo bày tỏ của ông Hải, ngoài hình thức thi trâu khỏe, Hội thi còn có nhiều trò chơi văn hóa dân gian khác. Lý giải về vấn đề bán vé Hội thi, ông Hải cho rằng, Hội thi do DN tổ chức, chính quyền địa phương chỉ đứng ra giám sát, nên đã là xã hội hóa thì DN phải bán vé để thu vốn đầu tư. Đại diện Phòng VH&TT huyện Phúc Thọ cũng cho biết, kế hoạch tổ chức Hội thi đã được gửi lên Sở VH&TT Hà Nội để hướng dẫn và cho phép thực hiện.

Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cũng xác nhận: Sở VH&TT có cấp phép cho Hội thi. “Việc này tôi đã giao cho Phó Giám đốc Sở VH&TT Nguyễn Khắc Lợi phụ trách. Sở đã có công văn hỏi Bộ VHTT&DL và được Bộ đồng ý”. Bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) cho biết: “Cục có nhận được công văn của Sở VH&TT Hà Nội về vấn đề này. Cục Văn hóa cơ sở đã trả lời Sở rằng, việc cấp phép hay không cấp phép Hội thi không thuộc thẩm quyền của Cục mà là chính quyền địa phương, cụ thể là Sở VH&TT Hà Nội. Tuy nhiên, Cục cũng lưu ý đơn vị tổ chức không được tổ chức chọi trâu dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi vì, yếu tố bạo lực trong lễ hội, trong các sinh hoạt văn hóa đã được khuyến cáo cấm tổ chức trong một vài năm nay”.

Lễ hội chọi trâu Phúc Thọ từng được tổ chức trong các năm 2014, 2015 và để lại nhiều hình ảnh tiêu cực cho một mùa lễ hội bạo lực. Đây cũng là lễ hội chọi trâu duy nhất hiện có tại Hà Nội. Trước đó, theo kế hoạch, lễ hội chọi trâu 2016 sẽ được huyện Phúc Thọ tổ chức vào cuối tháng 1, với sự tham dự của 32 con trâu. Số trâu này được lựa chọn từ gần 100 con trâu đã tham gia vòng loại vào các ngày 1 và 2/1. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã có văn bản yêu cầu không tổ chức các lễ hội có nội dung: kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam.

Được biết, trước công văn trên, Sở VH&TT Hà Nội cũng đã có buổi làm việc với Cục Văn hóa cơ sở về vấn đề này. Theo quan điểm của Cục Văn hóa cơ sở, dù được quảng bá khá mạnh, lễ hội chọi trâu Phúc Thọ chưa có đủ cơ sở thuyết phục về tính truyền thống sẵn có của địa phương. Chính vì vậy, lễ hội chọi trâu Phúc Thọ 2016 đã không diễn ra như dự kiến vào khoảng tháng 3/2016.
Tham gia vòng chung kết có 26 trâu đến từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện. Kết thúc hội thi, giải Nhất thuộc về trâu của Xí nghiệp Thủy lợi Phù Sa. Bên cạnh thi trâu khỏe, Hội thi còn có các trò chơi dân gian khác như thi kéo co kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi hát dân ca. Đặc biệt, Ban Tổ chức đã trao tặng 2 con bê cho 2 hộ nông dân nghèo tại xã Phụng Thượng và Võng Xuyên. (Thiên Tú)