Theo tờ trình dự án Luật do Bộ Tài chính đưa ra, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế được đề nghị nâng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc được nâng từ mức 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng.
Như vậy, những người chưa phải nộp thuế gồm người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng, người có hai người phụ thuộc có thu nhập 16,2 triệu đồng/ tháng. Còn nếu có thu nhập 20 triệu đồng/tháng mà có một người phụ thuộc thì chỉ nộp 490 nghìn đồng/tháng (bằng 2,45% thu nhập chịu thuế).
Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định mở để khi giá cả thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với biến động của giá cả.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng tương đương 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014, đảm bảo tỷ lệ tương quan như khi Luật có hiệu lực thi hành năm 2009.
Phiên họp thứ 11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội lại cho rằng, việc nâng mức giảm trừ như vậy là cao, chưa đảm bảo tính hợp lý xét dưới cả góc độ kinh tế cũng như xã hội. Vì sẽ thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm sai lệch bản chất của thuế thu nhập cá nhân, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi luật thời gian qua.
Với con số cụ thể được đưa ra là sẽ chỉ còn khoảng 1 triệu người phải nộp thuế thu nhập cá nhân (hiện nay là 3,87 triệu người), như vậy bản chất của thuế thu nhập cá nhân sẽ chuyển thành thuế thu nhập cao. Đặc biệt là sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách. Đồng thời cũng cho rằng quy định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo biến động giá cả là hợp lý, song Chính phủ cần nói rõ hơn căn cứ để đưa ra mức 20%.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi 7-9 triệu liệu có là quá cao? Theo ông, trước tiên cần phải so sánh với con số 1.050.000 đồng- mức lương tối thiểu. Bởi đây chính là mức thu nhập để đảm bảo có điều kiện sống. Mức giảm trừ gia cảnh như đề nghị của Chính phủ là cao và cho rằng nên ở mức 7 triệu đồng cho người nộp thuế và 2,8 triệu cho người phụ thuộc là hợp lý. Mức này đã trên 6 lần lương tối thiếu.
Ủy ban Tài chính Ngân sách dẫn chứng, hiện có 51 triệu người có thu nhập nhưng có 12 triệu người phải kê khai và con số đến ngưỡng phải nộp thuế chỉ có 3,8 triệu. "Vậy 3,8/51 triệu người tương đương khoảng gần 10%, có nghĩa những người này ở nhóm cao, còn tất nhiên, nếu so với Trung Quốc, Mỹ thì chúng ta không so được", ông Hiển thẳng thắn.
Mặc dù đồng tình với lập luận của Ủy ban Tài chính ngân sách rằng, mỗi công dân phải có trách nhiệm nộp thuế nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần tính toán mức 7, 9 triệu đồng đã đủ sống chưa. "Trong hoàn cảnh kinh tế như hiện nay, mức 7 hay 9 triệu đồng đã gọi là thu nhập cao chưa? Tôi áng cỡ Chính phủ đưa ra 9 triệu đồng là chưa cao, chỉ đủ sống thôi. Bởi vậy nên bỏ một vài bậc giữa đi", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cũng cho rằng, phải thẳng thắn thừa nhận Việt Nam chưa thể công bố được mức sống tối thiểu.
Bà đưa ra những dẫn chứng kể từ khi áp dụng Luật thuế TNCN từ năm 2009. “Từ năm 2009, chúng ta liên tục gặp khó khăn, năm nay mới bắt đầu lạm phát một con số. Như vậy, kinh tế gặp khó khăn, CPI tăng cao thì thu nhập thực tế của người dân bị giảm sút, lương hoàn toàn giảm sút theo thực tế. Lương có tăng lên thì không đủ sức bù đắp lạm phát", bà Trương Thị Mai phân tích. Do đó, đến năm 2015 chúng ta mới tuyên bố được tiền lương tối thiểu có chấp nhận cuộc sống tối thiểu hay không. Trong điều kiện này thì căn cứ để quy định mức thuế TNCN này sẽ như thế nào. Đề nghị Chính phủ và Ủy ban Tài chính Ngân sách cùng tính toán lại.
Do mới là lần thảo luận đầu tiên, nên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đề nghị trên cơ sở thảo luận, Ủy ban Tài chính ngân sách và Bộ tài chính tiếp tục nghiên cứu xem xét, để trình UBTVQH thẩm tra chính thức và căn cứ để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.