Phương án "nặng đô" nhất để giải cứu tàu chở hàng chắn ngang kênh đào Suez

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương án tốn kém nhất để giải cứu "siêu tàu" mắc kẹt ở kênh đào Suez có thể tiêu tốn 20.000 USD/giờ.

Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết, các nỗ lực giải phóng con tàu bằng tàu kéo vẫn tiếp diễn sau khi hoàn tất hoạt động nạo vét ở mũi tàu để loại bỏ 20.000 m3 cát. Các đội cứu hộ đã làm việc xuyên đêm với máy nạo vét lớn nhưng con tàu có tải trọng hơn 200.000 tấn vẫn chưa có dấu hiệu dịch chuyển.
Theo hãng tin AP, ông Peter Berdowski, Giám đốc điều hành của Boskalis (công ty mẹ của Smit Salvage), cho biết công ty hy vọng sẽ kéo tàu container ra ngoài trong vòng vài ngày bằng cách kết hợp các tàu lai dắt hạng nặng, hoạt động nạo vét và triều cường, dự kiến sớm nhất là đầu tuần tới. Nếu những nỗ lực hiện tại bất thành, các đội cứu hộ sẽ tìm cách dỡ một phần hàng hóa trên tàu Ever Given nhằm giúp tàu nhẹ hơn để di chuyển.
Phương án “nặng đô” nhất để giải cứu con tàu là sử dụng cần trục bốc dỡ hàng hóa trên con tàu mắc kẹt, nhằm giúp giảm tải để con tàu nổi trên mực nước tiêu chuẩn để dễ dàng thoát khỏi vị trí hiện nay hơn.
 Quá trình giải cứu tàu chở hàng Ever Given trên kênh đào Suez đã bước sang ngày thứ 6. Ảnh: AP
Ever Given, con tàu container dài 400m với gần 1 tỷ USD hàng hóa trên đó đã chắn ngang tuyến đường thủy huyết mạch kể từ đầu tuần trước. Cho đến nay những nỗ lực giải cứu con tàu để thông thương tại khu vực này đã bước sáng ngày thứ 6. Với những nỗ lực giải cứu gần như chưa hề có tác dụng trong 5 ngày qua, rất có thể các nhà chức trách sẽ lựa chọn việc bốc dỡ hàng nghìn container hàng hóa trên con tàu để nó có thể nổi lên khỏi mực nước và dễ dàng thoát khỏi vị trí đang kẹt .
Đây không phải lần đầu tiên biện pháp giảm tải này được xem xét sử dụng để giải cứu tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez. Hồi tháng 11/2004, tàu chở dầu lớp Suezmax mang tên Tropic Brilliance đã mắc cạn sau các sự cố máy móc trong kênh theo cách tương tự như tàu Ever Given. Các nhà chức trách buộc phải đóng cửa kênh đào trong vòng 3 ngày. Tương tự, các tàu kéo đã được sử dùng nhằm giải phóng con tàu chở 85.000 tấn dầu nhiên liệu, nhưng những nỗ lực đó đã thất bại.
Cuối cùng, các chuyên gia trục vớt đã đưa một tàu chở dầu khác tới bốc khoảng 22.000 tấn hàng hóa khỏi tàu Tropic Brilliance. Vào ngày thứ ba sau khi được giảm tải, các tàu lai dắt đã có thể giải phóng Tropic Brilliance và mở lại con kênh.
Tuy nhiên, quá trình giảm tải đối với Ever Given không đơn giản như vậy.  Nếu các chuyên gia trục vớt cần di chuyển cùng một tỷ lệ hàng hóa như họ đã làm để giải phóng Tropic Brilliance, thì với yêu cầu là khoảng 25% số container cần được bốc dỡ để tàu Ever Given có thể nổi lên, sẽ mất rất nhiều thời gian.  Một lựa chọn khác cho quá trình giảm tải này là dùng các máy bay trực thăng có trọng tải lớn – mỗi chiếc có khả năng chứa tới 22 tấn hàng hóa.
Tuy nhiên, theo Joseph Farrell III, giám đốc phát triển kinh doanh của Resolve Marine, một công ty cung cấp dịch vụ cứu hộ, việc này sẽ cực kỳ đắt đỏ với mức phí có thể lên tới 20.000 USD/giờ
Nick Sloane, một chuyên gia trục vớt cho biết, việc bốc dỡ giảm tải này chỉ có thể được thực hiện bởi một loại máy bay đặc biệt được gọi là máy bay trực thăng cần cẩu có thể chở được trọng lượng 25.000 pound (khoảng 12,5 tấn).
Sự cố mắc kẹt của Ever Given hiện đang ảnh hưởng tới tuyến đường thông thương 10% hàng hóa thương mại toàn cầu và một loạt các mặt hàng nhập khẩu quan trọng đối với chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp của Châu Âu. Nhiều con tàu đã quyết định đi một chặng đường dài khác là vòng qua mũi phía nam của châu Phi.
Dữ liệu được tạp chí tin tức về vận tải biển Lloyd's List có trụ sở tại London, Anh công bố cho thấy, sự cố tàu chở hàng Ever Given chắn ngang kênh đào Suez sẽ khiến nền kinh tế thế giới chịu thiệt hại lên tới 400 triệu USD/giờ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần