Phương vị định đô Thăng Long

Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương vị Thăng Long là một phương vị đầy tính thực tiễn và hữu dụng. So với các lần định đô khác, không đâu có thể sánh lại. Nó là một tích tụ trí tuệ Đại Việt cách nay hơn ngàn năm.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, qua những nghiên cứu sử học mẫu mực của mình, đặc biệt với cuốn Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, đã có lần khẳng định rằng: Kiến thức địa lý triều Lý đạt một trình độ rất cao cấp.
Với những cuộc hành binh qua hàng nghìn ki lô mét theo hai đường biển - đường rừng đi đánh Khâm Châu và Ung Châu cũng như đi trừng phạt Chiêm Thành, họ đã hợp đồng tác chiến các cánh quân, cũng xa cách không kém, mà hoàn toàn ăn khớp về thời gian. Một không gian rộng lớn của châu lục như hoàn toàn nằm trong lòng bàn tay các tướng lĩnh thượng võ.
Thành tựu văn hóa
Rõ ràng, tư duy về lãnh thổ quốc gia, về không gian Đại Việt cũng như các nước láng giềng, sự am hiểu một vùng cảnh quan địa lý phức tạp bậc nhất châu lục, có khí hậu nhiệt đới gió mùa khắc nghiệt nhất đã cho thấy triều Lý đạt trình độ địa lý thiên văn, cao nhất có thể.
Việc chuyển khỏi Hoa Lư, định đô ở Thăng Long chính là kết quả của tư duy đó: Nó là một thành tựu văn hóa của quốc gia Đại Việt thời phong kiến.
 
Khẳng định của GS Hoàng Xuân Hãn gợi ý chúng ta “đọc” những ghi chép trung đại theo hướng xem các phương vị của kinh đô Thăng Long triều Lý được ý thức như thế nào.
Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn, người sáng lập triều đại nhà Lý, viết quá súc tích: “Huống chi thành Đại La… ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế long bàn hổ cứ, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sau sông trước, đất rộng mà bằng phẳng, thế cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô của đế vương muôn đời”.
Từ thư trung đại Việt Nam dù trải qua nhiều lần tăng bổ, tục biên, sao đi chép lại. Trong đó có những việc được viết với phong cách truyền kỳ, huyền tích… Nhưng đọc kỹ, chúng ta vẫn nhận ra được cái cốt lõi sự thật chứa đựng trong đó.
Một trong những vị đại sư có công đầu giúp lập dựng lên triều Lý là Vạn Hạnh thiền sư. Nhà sư là một nhà địa lý với tầm nhìn rộng lớn và hết sức thực tế. Sách Thiền uyển tập anh khi chép hành trạng của bậc cao tăng này còn để lại cho chúng ta những bản kệ - thi về việc xác định phương vị của phủ Thiên Đức thời Tiền Lê bằng 4 bài sấm Đông - Tây - Nam - Bắc. Và nhà sư cũng làm bài kệ xác định mộ Hiển Khánh Vương, bố Lý Công Uẩn, trên đất Hoa Lâm (nay là Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội) mà các văn bản khả tín nhất cũng như thực địa đã xác nhận. Đó là những tác phẩm địa lý đúng đắn và hiện thực.
Với tri thức địa lý đó, Lý Vạn Hạnh là người góp ý kiến quan trọng trong việc định đô của Lý Công Uẩn. Việc này được chính Lý Nhân Tông (1066 - 1128), vị vua thứ tư triều Lý xác nhận qua bài thơ Truy tán Vạn Hạnh thiền sư bằng hai câu: Hương quan danh Cổ Pháp/ Trụ tích trấn vương kỳ (Nhà sư quê ở hương Cổ Pháp/ Dùng cây tích trượng trấn đặt kinh đô nhà vua). Chữ “trấn” ở đây có nghĩa là dựng nên, đặt nên. Huyền thoại vùng Thăng Long về đời Lý, có chuyện Cẫu mẫu đưa Cẩu nhi qua sông về kinh. Trong một tư duy huyền tích, chúng ký tải hai nhân vật tuổi Tuất là Vạn Hạnh (938) và Lý Công Uẩn (974), hai người còn được truyền ngôn dân gian kể như cha con.
Thuyết phục: phương vị Thăng Long
Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn cho ta những tư liệu thú vị về phương vị Thăng Long mà ngày nay, quan sát qua không ảnh vệ tinh, ta thấy rất thuyết phục.
Ta bắt đầu bằng việc sử ký ghi lại sự kiện năm 1016: Bính Thìn, năm thứ 7. Động đất. Làm lễ tế vọng các danh sơn (Vua nhân đi xem núi sông, đến bến đò Cổ Sở, thấy khí tốt núi sông, tâm thần cảm động, bèn làm lễ rưới rượu xuống đất, khấn rằng: “Trẫm xem địa phương này, núi lạ sông đẹp, nếu có nhân kiệt địa linh thì hưởng lễ…”.
Hành động rưới rượu xuống đất là nghi thức thủy tế trong lập đàn thờ xã thần. Linh sơn được tế chính là núi Tản Viên vì nếu từ Hoàng thành Thăng Long, kéo một đường thẳng băng lên đỉnh cao nhất của Tản Viên thì sẽ đi qua bến Cổ Sở mà ngày nay dân con gọi là đội đồng Xa Đống.
Đó là phương vị phía Tây
Phương vị phía Đông thì ta cũng xác định được qua việc trước đó, vào năm 1010, ngay sau khi định đô, Lý Công Uẩn đã về Phù Đổng tế thần Thổ địa (sách Việt điện u linh ghi là thần Thổ địa, sau mới được nhà Lý phong là Xung thiên Thần Vương).
Thần thổ địa thì cũng chính là xã thần. Và nếu chúng ta kéo một đường thẳng băng từ Hoàng thành Thăng Long lên đỉnh Yên Tử thì đường thẳng đó sẽ đi qua Phù Đổng này. Đó là phương vị về phía Đông.
Phương vị hướng Bắc thì chắc chắn là Sóc Sơn với sự trụ trì của Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu, một vị sư có công giúp cả ba triều Đinh - Lê - Lý. Sóc là phương Bắc.
Từ đỉnh Sóc Sơn, kéo một đường thẳng chính nam, sẽ cắt đôi Hồ Tây, kéo thẳng xuống Quyển Sơn (núi cuốn cờ nhà Lý theo truyền thuyết địa phương) và xuống đỉnh núi Trống, nơi trụ trì của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận trước đây (Thiền uyển tập anh ghi là Cổ Sơn).
Các phương vị đông tây nam bắc của kinh đô Thăng Long triều Lý đã xác định bằng những tư duy địa lý mạch lạc đó, chứng tỏ một tầm nhìn rộng lớn của các trí thức, tướng lĩnh thời đó. Trong đó, có các bậc đại sư đạo cao đức trọng. Tôi chú ý đến một ý kiến của GS Hoàng Xuân Hãn trong công trình Lý Thường Kiệt… rằng, triều Lý, người tu hành phật giáo cũng được coi như công chức nhà nước vậy.
Trong ghi chép sau này, đặc biệt thời Lê mạt, công việc địa lý dần được quan niệm như là một nghề mê tín của thầy cúng với các tín ngưỡng phong thủy quàng xiên. Các phản ánh về tri thức địa lý càng ngày càng nhuốm màu huyền hoặc, tính chất thực tế lịch sử bị phủ lấp bởi những thần thoại về cưỡi diều giấy, đi một bước vạn dặm đường…
Phương vị Thăng Long là một phương vị đầy tính thực tiễn và hữu dụng. So với các lần định đô khác, không đâu có thể sánh lại. Nó là một tích tụ trí tuệ Đại Việt cách nay hơn ngàn năm. Đồng thời, nó phát ngôn trách nhiệm, tinh thần của một triều đại trước việc xây dựng quốc gia và bảo vệ độc lập dân tộc.

"Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh.

Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước.

Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?" - Chiếu dời đô (bản dịch của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần