Chu kỳ tất yếu
M.U đã yếu đi so với thời kỳ CR7, Chelsea không còn bản sắc cũ của mình, Man City chưa đủ tầm, Arsenal lặn ngụp ở ranh giới đẳng cấp, Liverpool mất dạng, so với các đối thủ lớn ngoài biên giới, bóng đá Anh đang thụt lùi. Tuy nhiên, sự thụt lùi ấy sẽ không quá rõ ràng nếu ở bên cạnh nó không có sự đi lên trông thấy của bóng đá Tây Ban Nha, hay chính xác là Barcelona. Chính vì thế giới chú ý quá nhiều vào Barca, chú ý quá nhiều vào tiqui-taca, chú ý vào những chiếc cúp mà họ “tham lam” giành lấy, nên phần còn lại bớt nổi bật hơn, đặc biệt khi không có những đội bóng bứt hẳn mình khỏi các địch thủ xung quanh.
Không phải đến bây giờ bóng đá Tây Ban Nha mới được ghi nhận. Sự thật là với tiềm lực tài chính cũng như danh tiếng của mình, hai gã khổng lồ Real và Barca đã thường xuyên thu hút các ngôi sao sáng nhất. Cứ mỗi khi ai đó làm “náo loạn” thế giới, chiếc áo “hoàng gia” đều chỉ chực khoác lên người họ, như Zidane, Ro béo, hoặc sự vĩ đại của Nou Camp lại kéo họ về, như Ronaldinho, hay chính Ro béo nữa. Song giai đoạn đó, các câu lạc bộ Ý cũng chơi đầy màu sắc, đậm nét riêng, văn hóa Milano, thành Rome, màu áo sọc Juve, màu tím Fiorentina đều thu hút sự dõi theo của hàng triệu fan túc cầu. Cùng lúc, M.U “cầm đầu” bóng đá Anh tiến vào đấu trường châu lục, nhóm “tứ đại gia” ra đời với những phong thái khác nhau mà đều đầy thuyết phục, đỉnh cao của họ là lần bán kết Champions League chứng kiến sự góp mặt của ba đại diện xứ sương mù.
Sự cân bằng đó đã biến mất khi Barca của Pep xuất hiện. Ban đầu họ cũng chỉ đóng vai một đội bóng mạnh, gây chú ý bằng những danh hiệu cao quý, để rồi khi nó cứ lặp lại nhiều lần, người ta nhận ra đội bóng này rất đặc biệt. Có xuống phải có lên, chu kỳ thành công của người Anh ở cấp câu lạc bộ đã chững lại, các nền bóng đá khác không tạo được nhiều sức hút, điều đó càng giúp Barca kéo cả hình ảnh của La Liga tới một vị thế mới. Real - kình địch không đội trời chung của Barca dĩ nhiên không chịu lép vế quá lâu, họ rầm rộ đầu tư để cho ra đời “Dải ngân hà” phiên bản kế tiếp, mua cầu thủ đắt nhất thế giới Cristiano Ronaldo và thuê huấn luyện viên thực dụng thành công nhất - Jose Mourinho. Dù bộ mặt của La Liga vẫn quá “thiếu màu” khi sự chênh lệch đẳng cấp là khá lớn, nhưng rõ ràng các đội tầm trung cũng đã tiến bộ theo “hiệu ứng Barca”, hoàn thiện chất riêng của mình, lấy cái nhanh, khéo, kỹ thuật ở Tây Ban Nha làm điểm tựa, trở nên đáng gờm khi ra ngoài biên giới.
Hấp dẫn nhất vẫn là Premier League
Chẳng quá đáng khi “độ mạnh” của Premier League lại bị đánh tụt hạng thê thảm. Cứ nhìn M.U thua Bilbao, Chelsea thua Atletico hay Man City thua Dortmund một cách toàn diện, thật khó đưa ra quan điểm rằng các câu lạc bộ Anh hay hơn nước khác. Song ở đây, người ta vẫn nhìn thấy một thứ đẳng cấp nhất định có tính bền vững - M.U, hay một Chelsea lầm lì, đáng sợ (ít nhất cho đến cuối mùa trước), một Man City ngấm ngầm tiềm lực với “đội ngũ” chẳng thua ai, và Arsenal tuy xuống sức đấy nhưng khó ai dám khinh thường. Sự ổn định về đẳng cấp, sự hứa hẹn từ các ngôi sao, thứ sức mạnh nhiều màu sắc vẫn là điểm nhấn của người Anh, bất chấp các kết quả tiêu cực gần đây họ nhận được ở đấu trường châu lục.
Sức hút từ truyền thống huy hoàng thời Sir Alex của M.U, từ phong cách mà Mou-team để lại ở Chelsea, từ một Arsenal hào hoa đầy hoài niệm, từ tham vọng của gã nhà giàu ồn ào Man City, từ mối tình xưa cũ Liverpool, những thần tượng rải rác trong mỗi đội, nó khiến cho số lượng fan hâm mộ chỉ có tăng theo từng ngày. Đây là chu kỳ đi xuống của bóng đá Anh, nhưng nó có đủ căn cơ để trở lại, vẫn đầy năng lượng để chuyển mình, không “thiếu vốn” để duy trì như Bilbao, Atletico, cũng không quá “non trẻ” như Dortmund dù thành công của đội bóng Đức là đáng kể. Với việc lối đá Anh truyền thống dần bị khắc chế, những ông lớn của PL càng phong phú hơn trong cách xây dựng đội hình, hiện đại hơn theo các tư duy chiến thuật, sẵn sàng dành đất cho những cầu thủ nhỏ con, khéo léo, sẵn sàng chơi đập nhả trung lộ, có thể nói không có sắc thái, kiểu cách chơi bóng nào là không thể bắt gặp ở Anh.
Dù gì, như đã nói, đây vẫn là giai đoạn “độ mạnh” của các đội bóng Anh thiếu sức thuyết phục. Nó đã được cải thiện hay chưa chỉ có thể chờ vào các cuộc đối đầu ở Champions League và Europa League. Nhưng nếu nói về độ hấp dẫn, một đề tài cũ, không đâu bằng Premier League. Không phải vấn đề “giờ đẹp”, bởi bóng đá được chiếu khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Ngoài yếu tố mạnh mẽ, nam tính, chiến đấu khiến giới đàn ông đam mê thể thao vua ưa thích, cái kịch tính trong tranh đua, đối đầu giữa đội mạnh và đội không mạnh bằng chính là gia vị hảo hạng nhất. Có tới 5, 6 cái tên mà cuối tuần người ta sẽ hỏi họ đá với đội nào, Super Sunday vì thế cũng rất thường xuất hiện. Quá nhiều trận đấu được chờ đợi mỗi tuần, hai đội lớn gặp nhau đã đành, đội lớn gặp đội “nhỏ hơn” người ta cũng ngồi xem để biết đội lớn vượt qua bằng cách nào, đội nhỏ chặn đứng ra sao. Mối tương quan trên bảng xếp hạng khiến cho fan của nhiều đội quan tâm theo dõi lẫn nhau, làm không khí PL ở ngoài đời ồn ã, sôi động không khác gì trên báo chí.
La Liga chỉ tồn tại bằng hai trận Siêu kinh điển, gần đây Atletico là luồng gió mới - “mát” hơn Levante mùa trước, song vẫn quá ít ỏi, và cũng chẳng quá nhiều người quan tâm đến đội bóng của Falcao nếu họ không chạm trán Barca hoặc Real. Những trận cầu “Barca-Phần còn lại” trở nên dễ đoán biết, không mang tới bất cứ cảm xúc nào ngoài sự hả hê cho fan Barca và riêng những người ngưỡng mộ tiquitaca. Với tính hấp dẫn cục bộ và ít chiều thưởng thức như vậy, rõ ràng không thể đặt La Liga cạnh Premier League để so độ hấp dẫn. Cứ nhìn trận derby Manchester giữa một M.U vừa trắng tay và một Man City mới nổi được hai mùa nhưng được xem trên truyền hình còn nhiều hơn trận El Clasico với hàng tá siêu sao và lịch sử huy hoàng của xứ bò tót, ta mới hiểu PL “bỏ bùa” tín đồ túc cầu giáo mạnh mẽ ra sao. Đó là điều còn lâu lắm, chẳng biết bao giờ La Liga mới làm được, khi có quá nhiều quyền lợi, tiền bạc, sự đầu tư được riêng dành cho hai gã khổng lồ, còn những đội bóng khác cũng chỉ ngước nhìn một cách “vô tư”.