"Quà chia tay" đầy thách thức từ người tiền nhiệm cho Tổng thống đắc cử Biden

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi chính thức nhậm chức vào trưa 20/1 (giờ Mỹ), Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho sẽ tiếp nhận "quà chia tay" đầy thách thức từ người tiền nhiệm Donald Trump: Thị trường chứng khoán gần cao kỷ lục, thâm hụt ngân sách, đồng USD suy yếu, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như đã "cạn lực".

1. Thị trường "nghiện" kích thích
Chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 68% kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2016. Mức tăng 73% của thị trường này kể từ cuối tháng 3/2020 chủ yếu bởi kích thích tài chính và tiền tệ lớn, cũng như kỳ vọng rằng vaccine Covid-19 sẽ thúc đẩy kinh tế mở cửa trở lại. Lợi suất trái phiếu kho bạc cực thấp sau khi Fed cắt giảm lãi suất xuống gần 0 cũng đã làm tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu.
Nếu theo đúng thông lệ, thị trường chứng khoán được cho sẽ chào đón chính quyền Biden một cách nồng nhiệt, bởi S&P 500 có xu hướng tăng trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức của 8/10 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ gần đây nhất.
Tuy nhiên, 100 ngày đầu tiên của ông Biden có thể khó khăn hơn so với những người tiền nhiệm. Trong khi tân Tổng thống cần nhanh chóng có các gói kích thích kinh tế, đa số mỏng Dân chủ trong Quốc hội đồng nghĩa với nguy cơ rằng quy mô và hạn cuối của gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD được đề xuất vẫn chưa chắc chắn.
2. Đồng USD suy yếu

Tổng thống Mỹ thứ 46 Joe Biden sẽ thừa hưởng một đồng USD đã giảm 12% so với mức cao nhất của năm ngoái. Tuy nhiên, bất kể đồng USD tăng hay giảm, chính quyền Mỹ sắp tới đã báo hiệu rằng họ sẽ ít bình luận về biến động của tiền tệ hơn Tổng thống Trump - người thường phản đối một đồng USD mạnh.
Một đồng bạc xanh yếu hơn có thể hỗ trợ các nhà xuất khẩu bằng cách tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Mỹ ở nước ngoài, cũng như tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu Mỹ bằng việc làm cho chúng có giá cả phải chăng hơn đối với người mua nước ngoài.
3. Nợ công trên đà tăng

Nợ quốc gia Mỹ tăng gần 40% dưới thời Tổng thống Trump, lên gần 28 nghìn tỷ USD, được thúc đẩy bởi việc thông qua cắt giảm thuế vào năm 2017 và một loạt chi tiêu để chống lại ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch Covid-19 năm 2020.
Một số nhà đầu tư lo ngại bức tranh tài khóa "âm u" của đất nước có nguy cơ làm giảm sức hấp dẫn của nợ Chính phủ Mỹ trong dài hạn - một kết quả cuối cùng có thể ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của đồng USD với vai trò là loại tiền tệ dự trữ.
Vào tháng 7, Fitch Ratings đã sửa đổi triển vọng xếp hạng AAA của Mỹ từ mức ổn định thành tiêu cực, với lý do rằng sức mạnh tín dụng đã bị xói mòn.
Nợ công có khả năng tiếp tục tăng dưới thời Tổng thống Biden. Janet Yellen - ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính của nội các mới hôm 19/1 đã thúc giục các nhà lập pháp "hành động mạnh mẽ" đối với gói cứu trợ Covid-19 tiếp theo, cho rằng "lợi ích" sẽ vượt gánh nặng nợ cao hơn.
4. Fed "cạn lực"?

Chính quyền Biden còn thừa hưởng một bảng cân đối của Fed đang phình to hơn bao giờ hết, chủ yếu do việc tăng chi tiêu sau đại dịch. Một cuộc thăm dò vào tháng 12/2020 của Reuters cho thấy, bảng cân đối của Fed dự kiến ​​sẽ tăng lên 9,1 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2021.
Một số người lo lắng rằng lãi suất đã ở mức đáy và mua tài sản hiện ở mức 120 tỷ USD/tháng có thể khiến Ngân hàng T.Ư còn ít phạm vi điều động hơn một khi nền kinh tế xấu đi, hoặc một cuộc khủng hoảng mới xảy ra, đặt trọng tâm hơn vào chính sách tài khóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần