Nhờ thế mà ông Tsipras có được tiền đề thuận lợi để tiếp tục là Thủ tướng của nước này. Vị đắng ở chiến thắng lần thứ ba này cuả ông Tsipras là tỷ lệ cử tri tham gia tổng tuyển cử thấp hơn lần trước và liên minh cánh tả của ông Tsipras không giành được đa số tuyệt đối. Kết quả bầu cử này giúp ông Tsipras gạt bỏ được vai trò và ảnh hưởng của những thế lực chống đối trong nội bộ đảng cầm quyền. Nhưng thông điệp bao trùm lên tất cả từ kết quả cuộc bầu cử quốc hội lần này ở Hy Lạp là cử tri dành cho ông Tsipras một cơ hội nữa và đó là cơ hội cuối cùng. Quá tam chỉ ba bận chứ không có lần thứ tư.
Ông Tsipras đã thắng cử với một kiểu cầm quyền và tranh cử xưa nay chưa từng thấy ở Hy Lạp. Lần đầu tiên, ông Tsipras thắng cử nhờ cam kết chấm dứt tình trạng Hy Lạp bị Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xỏ mũi và chèn ép để đổi lấy các gói cứu trợ tài chính giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng tài chính và nợ công. Hai người tiền nhiệm của ông Tsipras đều bị cử tri Hy Lạp truất quyền vì 2 thoả thuận của họ với các đối tác kia. Nhưng khi đã lên cầm quyền thì ông Tsipras đã làm ngược lại tất cả những gì đã cam kết để lại ngoan ngoãn thoả hiệp với EU, ECB và IMF về gói cứu trợ tài chính thứ ba và rồi để cử tri Hy Lạp quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý mà trong đó ông Tsipras lại khuyến nghị dân xứ này bác bỏ thoả thuận nói trên về gói cứu trợ tài chính thứ 3. Cứ sau mỗi lần cử tri đi bỏ phiếu, cả chuyện nội trị ở Hy Lạp lẫn chuyện cứu trợ tài chính cho nước này và quan hệ của Hy Lạp với EU, ECB, IMF và trong Nhóm Euro lại trở nên phức tạp và luẩn quẩn thêm. Cả sau lần Tổng tuyển cử mới nhất đây cũng sẽ thế.
Ông Tsipras thắng cử lần này bởi cử tri Hy Lạp tuy đã ngán ngẩm Chính phủ và cá nhân thủ tướng Tsipras nhưng hiện lại không có sự lựa chọn nhân sự thay thế nào khác mà họ tin rằng có đủ khả năng vừa không để quan hệ của Hy Lạp với EU, ECB và IMF bị đổ vỡ lại vừa không phải chịu những điều kiện áp đặt của bộ ba kia để đổi lấy gói cứu trợ tài chính thứ ba. Họ phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà bầu cho ông Tsipras vì biết rằng chỉ có thể dựa vào EU, ECB và IMF thì Hy Lạp mới có cơ may thoát được ra khỏi khủng hoảng tài chính và nợ công mà bộ ba này tuy không thích thú ông Tsipras nhưng hiện tại cũng vẫn dễ dàng chấp nhận ông Tsipras hơn bất cứ chính trị gia nào khác ở Hy Lạp. Cũng có thể nói tất cả các bên liên quan đều đã bước đến tận giới hạn của mình. Bây giờ, chỉ cần một trong số những bên ấy vượt quá điểm dừng này thì sẽ vô cùng tai hại đối với tất cả.