Tại sao NHNN lại mua VNCB với giá 0 đồng và quyền lợi của người gửi tiền có được đảm bảo là câu hỏi đang được nhiều người quan tâm hiện nay. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long về vấn đề này.
Thông tin NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng đang được dư luận rất quan tâm. Theo ông, vì sao NHNN lại mua VNCB với giá này?
- Nguyên nhân NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng là vì hiện nay, VNCB đã bị âm vốn, nghĩa là nợ xấu cao hơn vốn điều lệ. Tất nhiên, mức giá 0 đồng chỉ là mức giá ban đầu. Sau này, NHNN sẽ tính toán lại xem kết quả hoạt động của ngân hàng này thế nào, tài sản còn bao nhiêu, gồm những gì… để cân đối lại giá.
Việc NHNN mua lại VNCB có thể hiểu là phương án tối ưu NHNN thể hiện trách nhiệm của mình với người gửi tiền. Theo đó, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNBC sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Điều này có nghĩa là cổ đông của VNCB trắng tay?
- Như tôi đã nói, mức giá 0 đồng là mức giá ban đầu. Sau này, NHNN sẽ xem xét, tính toán lại, nếu vốn điều lệ vẫn âm thì đương nhiên, cổ đông sẽ mất trắng. Đó là rủi ro trong kinh doanh, các cổ đông sẽ phải chấp nhận. Còn nếu vốn vẫn dư sau khi trừ các chi phí… thì NHNN sẽ tính toán phương án đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Còn quyền lợi người gửi tiền thì sao, thưa ông?
- Khi NHNN mua lại VNCB tức là mọi nghĩa vụ của VNCB sẽ chuyển sang NHNN. Các hoạt động của VNCB vì thế vẫn diễn ra bình thường, quyền lợi người gửi tiền được đảm bảo.
Theo ông, tại sao VNCB hoạt động không hiệu quả nhưng NHNN lại không cho phá sản mà chọn phương án mua lại?
- Hoạt động ngân hàng đặc thù hơn các lĩnh vực khác vì nó là một hệ thống. Nếu một tổ chức tín dụng đổ vỡ, phá sản, cả hệ thống sẽ bị lung lay, gây bất ổn xã hội. Vì thế, trong bối cảnh hiện tại, việc NHNN mua lại VNCB được coi là tối ưu, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, vừa ổn định hệ thống.
Sau khi NHNN mua lại, liệu VNCB có được giao cho một ngân hàng có tiềm lực quản lý hay sẽ chọn phương án mua bán, sáp nhập, thưa ông?
- Hiện, NHNN đã giao Vietcombank tham gia quản trị, điều hành VNCB. Điều này sẽ giúp VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn.
Sau thời gian củng cố, khôi phục và ổn định xong VNCB, NHNN chọn phương án nào cho ngân hàng này thì lại là chuyện hồi sau mới rõ. NHNN sẽ phải tìm phương án tối ưu. Đó có thể là cho VNCB hoạt động độc lập, cũng có thể, NHNN tìm đối tác để bán lại hoặc sáp nhập ngân hàng này. Đó là chuyện của sau này và NHNN sẽ phải tính toán rất kỹ.
Xin cảm ơn ông!
Với việc bị quốc hữu hóa, VNCB là ngân hàng thương mại thứ hai trên thị trường được Nhà nước sở hữu 100% vốn, sau Agribank. Đây là lần đầu tiên, NHNN tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại bằng cách tham gia góp vốn mua cổ phần, cho dù việc này đã có quy định trong Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/9/2013. |
Cuối tháng 7/2014, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam và khởi tố đối với nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh, nguyên Tổng Giám đốc Phan Thành Mai và ông Mai Hữu Khương - nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn. Đầu tháng 12/2014, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với bị can Phạm Công Danh, Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương. Đồng thời, khởi tố bổ sung đối với 6 bị can nguyên là cán bộ của VNCB trong vụ này. |