Quản chặt chất lượng vật tư nông nghiệp

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định công tác thanh, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với bảo đảm an toàn thực phẩm, từ đầu năm 2020 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.

Người dân phun thuốc diệt cỏ trên cánh đồng huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Xử phạt 100% cơ sở có vi phạm
Theo thống kê, thời gian qua, Thanh tra Sở, các chi cục: Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Chăn nuôi – Thú y, Thủy sản, Trồng trọt & Bảo vệ thực vật, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 118 lượt cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Hình thức giám sát chuyển dần từ theo kế hoạch sang đột xuất.
Quá trình giám sát, lực lượng liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội đã phát hiện 12/118 cơ sở có vi phạm. Trong đó, có 7 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường thủy sản, thức ăn chăn nuôi; 4 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng, không có đủ giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán; 1 cơ sở vi phạm về ghi nhãn hàng hóa. Đáng chú ý, trước đây nếu như với các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, hầu hết chỉ bị nhắc nhở, cảnh cáo đối với các cơ sở có vi phạm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đối với lĩnh vực vật tư nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo thực hiện rất nghiêm việc xử phạt vi phạm.
Cụ thể, đối với tất cả 12 cơ sở có các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, lực lượng chức năng đều cương quyết xử phạt hành chính. Tổng số tiền xử phạt đối với 12 cơ sở là 47,5 triệu đồng. Các đơn vị cũng được yêu cầu khắc phục sớm và không tái diễn các vi phạm.
Chuyển mạnh sang thanh, kiểm tra đột xuất
Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư được Sở NN&PTNT Hà Nội thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đột xuất. Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm, khâu có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm. Nhờ đó, đã kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Dù vậy, công tác này hiện cũng còn nhiều hạn chế. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là ở cấp xã, phường. Ý thức trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đối với vấn đề an toàn thực phẩm chưa cao, tình trạng chạy theo lợi nhuận vẫn còn…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để sớm khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện việc phân công, phân cấp về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Phổ biến rộng rãi các chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật quản lý chất lượng; tạo môi trường thuận lợi cho người dân, DN đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này… Cùng với tiếp tục kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ngành NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Chú trọng chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời và nghiêm minh các vi phạm để tạo sức răn đe.
Để phục vụ tốt hơn công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị TP sớm kiện toàn bộ máy quản lý từ tuyến TP đến xã, phường, thị trấn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo. Đồng thời, đầu tư nâng cấp trang thiết bị kiểm nghiệm và tiếp tục mở rộng một số chỉ tiêu kiểm nghiệm, nâng cao chỉ tiêu được công nhận…
Nhằm giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, từ đầu năm 2020 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức lấy 44 mẫu phân bón, 22 mẫu thuốc thú y, 4 mẫu thức ăn chăn nuôi để phân tích các chỉ tiêu. Hiện, mới có kết quả 9 mẫu phân bón, trong đó, có 1 mẫu vi phạm, đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần