Đặt lộ trình để quản lý
Theo Quyết định số 6572 (ngày 9/12/2014), UBND TP về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020; tổng số mỏ cát bãi nổi sông thuộc địa bàn Hà Nội (chủ yếu là sông Hồng) được quy hoạch 40 mỏ, với diện tích 2.363,8ha, trữ lượng 116.954.000m3. Trong đó, quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng 24 mỏ cát với tổng diện tích 1.660,50ha, tài nguyên dự báo cấp 333 + 334 là 86.880,8m3. Quy hoạch khai thác, sử dụng 16 mỏ cát với tổng diện tích 703,80ha, trữ lượng cấp 122 là 30.074,4m3.
Cần có các quy định chế tài cụ thể trong việc kiểm soát khai thác, nạo vét cát trong lòng sông Hồng. Ảnh: Phạm Hùng |
Với các mỏ cát bãi nổi sông Hồng, UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm đấu giá quyền khai thác từ 19/8/2014. Đến nay, đơn vị trúng đấu giá đang thực hiện việc thăm dò khoáng sản đối với mỏ đã trúng đấu giá, làm cơ sở trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, để UBND TP cấp phép khai thác. Trên cơ sở đó, ngày 4/3/2016 UBND TP ban hành Kế hoạch số 49 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2016 đối với 4 mỏ cát san lấp tại bãi nổi sông Hồng thuộc địa bàn huyện Ba Vì và Đan Phượng. Căn cứ vào các quyết định của UBND TP phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, Sở TN&MT đã thực hiện các trình tự quy định để đưa 4 mỏ ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời xây dựng kế hoạch, trình UBND TP phê duyệt, để đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 14 mỏ cát bãi nổi sông Hồng và 3 bãi nổi sông Đà theo quy hoạch đã được phê duyệt…
Khai thác trái phép - chưa ”dứt nọc”
Từ tháng 5 - 10/2016, lực lượng chức năng đã xử lý 61 vụ, 66 đối tượng, tạm giữ 53 tàu các loại, tịch thu 62 đầu nổ, 60 sên, vòi hút, tịch thu gần 1.000m3 cát, phạt tiền tổng số hơn 1,326 tỷ đồng. Địa bàn có vi phạm bị xử lý nhiều là quận Bắc Từ Liêm và các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Gia Lâm, Đông Anh. Tuy nhiên đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa chuyển biến căn bản. Nguyên nhân là do cát xây dựng ngày càng khan hiếm, lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác cát trái phép cao. Vi phạm ít bị xử lý do tính chất hoạt động trên sông nước khó bị tiếp cận và xử lý kịp thời… Hoạt động nạo vét luồng đường thủy nội địa, kết hợp thu hồi cát rất khó kiểm tra, phát hiện vi phạm về độ sâu và chiều rộng chuẩn tắc luồng nạo vét. Lực lượng, phương tiện trang bị cho ngành công an TP phục vụ cho công tác tuần tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý còn hạn chế…
Cần những chế tài đủ mạnh
Từ thực tế nêu trên, Sở TN&MT Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép triển khai những dự án nạo vét trong danh mục. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội trong công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia, kết hợp tận thu cát trên địa bàn. Kiến nghị Bộ Công an, Công an TP siết chặt công tác tuần tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý chủ phương tiện sử dụng tàu thuyền hút cát trên sông ở những vị trí giáp ranh đảm bảo kịp thời và hiệu quả.
Sở sẽ kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Lực lượng Cảnh sát đường thủy - Công an TP tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các phương tiện giao thông thủy nội địa, xử lý nghiêm các tàu thuyền không đăng ký, đăng kiểm. Lập hồ sơ theo dõi chặt chẽ các tàu thuyền có trang bị phương tiện máy móc phục vụ cho hoạt động hút cát lòng sông, để xử lý kịp thời khi có hành vi hút cát…
Các địa phương cần tăng cường lực lượng kiểm tra, tuần tra canh gác tuyến sông thuộc địa bàn để ngăn chặn hoạt động hút cát trái phép. Lập đường dây thông tin nóng, để có thể tiếp nhận tin báo hoạt động hút cát trái phép lòng sông 24/24 giờ. Tăng cường công tác quản lý hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu ven sông, góp phần kiểm soát được nguồn gốc cát khai thác lòng sông đưa lên bờ, bãi.