Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan chức cấp cao năng lượng Nga và Mỹ tìm giải pháp hạ nhiệt giá dầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin và người đồng cấp Mỹ David Turk vừa có cuộc thảo luận nhằm ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu tại hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh).

Trong một tuyên bố về các vấn đề liên quan của chương trình nghị sự về khí hậu tại COP26, Bộ Năng lượng Nga hôm 10/11 cho biết, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin và Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ David Turk đã có cuộc gặp bên lề tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, thảo luận các vấn đề ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu”.
 Giá dầu Brent đã tăng hơn 60% kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: AP
"Cuộc họp tập trung vào hợp tác đa phương trong khuôn khổ G20 nhằm ổn định hơn nữa thị trường dầu mỏ toàn cầu. Ngoài ra, hai thứ trưởng Pavel Sorokin và David Turk đã chia sẻ quan điểm về các vấn đề liên quan của chương trình nghị sự về khí hậu", tuyên bố của Bộ Năng lượng Nga nêu rõ.
Các cuộc họp thông qua Bộ Năng lượng Nga và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ là khá hiếm. Những cuộc tiếp xúc gần đây nhất diễn ra vào giữa năm 2020 khi các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt, bao gồm Mỹ, cần thống nhất đưa ra các quyết định chung về việc ổn định tình hình thị trường “vàng đen”.
Cuộc gặp trực tiếp mới nhất ở cấp Bộ trưởng năng lượng được tổ chức vào năm 2018. Vào ngày 11/9, họ đã hội đàm tại Moscow, thảo luận về các phương thức hợp tác giữa Moscow và Washington nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu, tính minh bạch và tính bền vững lâu dài.
Hợp tác năng lượng giữa Nga và Mỹ đã bị đình chỉ do chính sách trừng phạt của Washington. Đặc biệt, các lệnh trừng phạt theo ngành của Mỹ cấm đầu tư và hợp tác công nghệ với các dự án phát triển các mỏ ngoài khơi của Nga, bao gồm cả ở Bắc Cực.
Các nhà phân tích ước tính nhu cầu nhiên liệu toàn cầu sẽ tăng khoảng 5-6 triệu thùng/ngày trong năm nay. Giá dầu thế giới trong năm nay đã tăng vọt lên 86 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 năm, do nhu cầu nhiên liệu phục hồi mạnh mẽ sau khi nhiều quốc gia trên thế giới dỡ bỏ các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 và OPEC+ tiếp tục điều tiết nguồn cung. Trong phiên giao dịch ngày 11/11, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,78 USD/thùng, tăng 14 xu Mỹ, khoảng 0,2% so với phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ cộng 18 xu Mỹ, lên mức 81,52 USD/thùng.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 31/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi liên minh OPEC+, do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu, tăng sản lượng nhiều hơn để giảm giá dầu. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng Nga và Ả Rập Saudi là nguồn cơn gây căng thẳng cung cầu dầu mỏ, đẩy giá xăng tại thị trường Mỹ tăng 60% trong vòng 12 tháng qua.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc họp chính sách sản lượng hôm 4/11, nhóm OPEC+, gồm 23 nước thành viên, đã phớt lờ lời kêu gọi của Mỹ, tuyên bố chỉ tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày theo kế hoạch được nhất trí hồi tháng 7/2021 bất chấp nhu cầu tiêu thụ tăng vọt. Tại cuộc họp này, các nước thành viên cho thấy quan điểm thống nhất trước Mỹ. Bộ trưởng năng lượng OPEC+ đều ủng hộ quyết định tăng nhẹ sản lượng.
Tờ Bloomberg hôm 7/11 đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói rằng Washington đang xem xét những biện pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, quyết định không tăng mạnh nguồn cung.
Nguồn cung dầu toàn cầu đang dự báo ở mức trung bình 101,42 triệu thùng/ngày vào năm 2022, trong khi nhu cầu trên toàn thế giới là 100,88 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng lên mức trung bình 11,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022 khi các nhà khai thác quay trở lại./.