Tham dự hội nghị có các Trưởng ADSOM đến từ 10 nước thành viên ASEAN cùng đại diện của 8 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ.
Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hôi nghị. Ảnh TTXVN.
|
Diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là các thách thức an ninh phi truyền thống, Hội nghị lần này là cơ hội tốt để thảo luận và trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu nhằm góp phần thúc đẩy hòa bình và sự ổn định tại khu vực.
Tại hội nghị, các quan chức quốc phòng cấp cao của ASEAN mở rộng đã chia sẻ và bày tỏ thẳng thắn những vấn đề an ninh và đặc biệt là những vấn đề quan ngại hiện nay ở khu vực, trong đó nổi lên 3 vấn đề chính gồm: vấn đề khủng bố hiện nay tại khu vực; vấn đề về an ninh hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Bà Amy E. Searight, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, nhấn mạnh Washington "thực sự quan ngại trước những căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông, đây là điều mà Mỹ đã đề cập với tất cả các quốc gia trong khu vực và tại hầu hết các diễn đàn đa phương như thế này."
Tại hội nghị, đại diện Mỹ cũng đã bày tỏ quan ngại về những căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông, "kêu gọi tất cả các quốc gia cùng trao đổi và quản lý cũng như giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua các biện pháp ngoại giao và pháp lý, không đe dọa sử dụng vũ lực và làm thay đổi hiện trạng."
Đánh giá về những bất ổn an ninh trong khu vực, ông Deepak Anurag - Thư ký Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết đối với Ấn Độ, an ninh và ổn định có vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Đó là mục tiêu của Ấn Độ khi tham gia diễn đàn Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Tại diễn đàn này, Ấn Độ nhấn mạnh tự do hàng hải có vai trò quan trọng đối với hoạt động buôn bán, thương mại, vì thế các bên cần tuân thủ các quy định hiện có và cần tiếp tục đối thoại. Mọi tranh chấp cần được giải quyết thông qua đối thoại.
Trong khi đó, Trưởng đoàn Việt Nam tại hội nghị, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng - Viện trưởng Viện hợp tác quốc tế khẳng định: “Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại như các nước khác và quan điểm nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là những vấn đề gì liên quan đến hai nước thì giải quyết bằng con đường song phương, bằng biện pháp hòa bình, bằng những thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận được, còn vấn đề gì liên quan đến nhiều bên, nhiều nước thì phải giải quyết bằng vấn đề đa phương và phải được công khai minh bạch trước cộng đồng quốc tế theo luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cũng như là các cam kết thỏa thuận tại khu vực".