Xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến: Quân chủng Hải quân nói gì về việc để mất 3 khu “đất vàng”?

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên tòa xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng các đồng phạm, đại diện Quân chủng Hải quân đề nghị HĐXX buộc các bị cáo và công ty liên doanh trả lại quyền sử dụng đất cho Quân chủng Hải quân.

Ngày 19/5, trong phiên toà xử nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng các đồng phạm, đại diện Quân chủng Hải quân được tòa triệu tập với tư cách là bị hại.
 Các bị cáo tại phiên toà.
Đề nghị nộp trả hơn 939 tỷ đồng
Tại tòa, đại diện Quân chủng Hải quân cho biết, thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo Hiến là Tư lệnh và chịu trách nhiệm chung về mọi mặt hoạt động của quân chủng. Trong việc đưa 3 khu đất (số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh) sang làm kinh tế, đây là chủ trương do Thường vụ Đảng ủy Quân chủng quyết định còn bị cáo Hiến ký văn bản xin ý kiến Bộ Quốc phòng và được chấp nhận. Thiệt hại của đơn vị là bị mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất nêu trên (cáo trạng xác định thất thoát hơn 939 tỷ đồng – PV).
Cũng theo đại diện Quân chủng Hải quân, riêng tại khu đất số 7-9, Quân chủng bị các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan lừa đảo chiếm đoạt giá trị quyền sử dụng đất khi đem đi thế chấp ngân hàng và đến nay chưa giải chấp. Nếu vụ việc không được phát hiện kịp thời thì khu đất có nguy cơ bị phát mại. 
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc đơn vị đã bị các bị cáo lừa như thế nào? đại diện Quân chủng Hải quân biết, bị cáo Hệ cùng các nhân viên đã gian dối trong việc lập tờ trình gửi Bộ Tư lệnh Hải Quân phản ánh năng lực tài chính, nguồn nhân lực và các dự án mà Công ty Yên Khánh đã, đang thực hiện. Chính vì tin tưởng, Quân chủng đã không thẩm tra năng lực tài chính, kinh doanh, nguồn nhân lực của Công ty Yên Khánh và từ đó chấp thuận về liên doanh với công ty này. 
Đối với câu hỏi của HĐXX về quan điểm xử lý 3 khu đất và số tiền hơn 939 tỷ đồng, đại diện Quân chủng Hải quân đề nghị, tòa buộc các bị cáo và công ty liên doanh trả lại quyền sử dụng đất cho Quân chủng Hải quân. Đồng thời, buộc Công ty Hải Thành nộp trả hơn 939 tỷ đồng về cho Quân chủng quản lý, sử dụng.
 Bị cáo Nguyễn Văn Hiến tại phiên toà.
Thừa nhận thiếu sát sao khi thực hiện nhiệm vụ
Trước đó, tại phiên toà ngày 18/5, Nguyễn Văn Hiến khai nhận, thời gian triển khai thực hiện các khu đất này, bị cáo đang là người đứng đầu Quân chủng Hải quân. Tuy nhiên, sau khi làm việc với CQĐT, bị cáo mới biết đó là đất chưa được chuyển mục đích sử dụng.
Theo bị cáo Hiến, việc quyết định chủ trương đưa 3 khu đất vào làm kinh tế là xuất phát từ phía Quân chủng Hải quân và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đề nghị trước, còn Giám đốc Công ty Hải Thành lúc bấy giờ có đề xuất ý kiến để đưa 3 khu đất vào làm kinh tế và được Thường vụ thông qua. 
Tuy nhiên, Công văn số 3333/BQP ngày 4/7/2006 đã yêu cầu Quân chủng Hải quân chỉ được tiến hành hợp tác liên doanh sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan về quản lý, khai thác các khu đất theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng. Ngày 6/10/2009, Văn phòng Bộ Quốc phòng có Công văn số 5371/VP-NC thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Thực hiện theo Thông tư 35/2009/TT-BQP ngày 20/7/2009 của Bộ Quốc phòng, đất vẫn do Quân chủng hải quân quản lý. Không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vì sẽ bị mất đất”.
Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, bị cáo Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, của Chính phủ và Luật Đất đai năm 2003.
Bị cáo Hiến cho rằng, việc mình phê duyệt đều do các cơ quan tham mưu, đề xuất. Bản thân tin tưởng các cơ quan chuyên môn tham mưu và tin tưởng vào việc bàn bạc của tập thể do đó đã thiếu kiểm tra, xét duyệt dẫn đến hậu quả. "Bị cáo thừa nhận bản thân thực hiện nhiệm vụ thiếu quyết liệt, thiếu sát sao" - bị cáo Hiến khai.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần