Luôn sẵn sàng nhận "báo động đỏ"
Gần 22 giờ ngày 24/3, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Vân Anh (phụ trách “hotline” về dịch Covid-19 của quận) nhận cuộc gọi từ một nhân viên Công ty Hà Sơn chuyên phục vụ xe cấp cứu, báo tin trước đó đã chở bệnh nhân số 133 (Bộ Y tế công bố tối 24/3) từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai về nhà tại Lai Châu. Bà lập tức đề nghị trường hợp này tự cách ly, đeo khẩu trang, không giao tiếp với ai; cung cấp ngay danh sách người đã tiếp xúc, cùng “kíp” xe đó... Bà cũng hướng dẫn cách ly hơn 10 người của đội xe tại Công ty, báo ngay Khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế quận) và Trạm Y tế phường Minh Khai về việc này. Sớm 25/3, đội đáp ứng nhanh gồm 1 người khử khuẩn, 1 người phụ trách lấy mẫu xét nghiệm của Trung tâm cùng y tế phường đến trụ sở Công ty (ngõ Hòa Bình 7, phố Minh Khai) lấy mẫu của 3 F1 và phối hợp đưa cách ly tại BV Thanh Nhàn; khử khuẩn toàn trụ sở, điều tra tiền sử F1, F2…
Đó chỉ là 3 trong gần 80 trường hợp F1 từ đầu “mùa dịch Covid” đến ngày 25/3 mà cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cùng các phường phải xử lý. Điện thoại di động là vật bất ly thân, ngày hay đêm luôn phải để chuông. Giám đốc Trung tâm quán triệt mọi người, chỉ 1 cuộc gọi không trả lời sẽ bị nhắc nhở ngay; trong đó, 100% cán bộ, nhân viên Khoa Kiểm soát bệnh tật và Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh phải trong tư thế sẵn sàng lên đường khi Trưởng Khoa điều động. 22 giờ, 24 giờ đêm, 3 giờ sáng… được báo có F0 hay trường hợp nguy cơ dương tính trên địa bàn, Trung tâm đều phát ngay “báo động đỏ”, các lực lượng lập tức đi xác minh, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn, phối hợp cấp cứu 115 đưa thẳng đến BV cách ly. Cùng đó, khẩn trương điều tra người này đã tiếp xúc ai, hướng dẫn F1 cách phòng hộ; hỗ trợ y tế phường hướng dẫn F2 cách ly tại nhà; hướng dẫn F3 thậm chí đến F4 theo dõi sức khỏe… Từ 22 giờ thì thường 3 - 4 giờ sáng mới xong việc trở về. “Bộ Y tế thường công bố ca bệnh vào tối, nên điện thoại tôi đổ chuông ban đêm là chuyện thường, chồng con mất ngủ cũng chấp nhận”- bà Vân Anh chia sẻ.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng lên đường ngay trong đêm để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn môi trường, cách ly... đối với một trường hợp có nghi ngờ mắc Covid-19 |
Theo Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh (Trung tâm Y tế quận) Trần Phương Anh, hằng ngày, cán bộ, nhân viên hai Khoa phải đảm nhiệm khối công việc vô cùng lớn: Liên tục nhận thông tin, rà soát số liệu, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra, khoanh vùng, hướng dẫn cách ly, phối hợp đưa đi BV… Nhiều hôm 2 - 3 giờ sáng mới về nhà, cả 13 cán bộ, nhân viên từ Tết đến giờ không có ngày nghỉ, phải chia ca trực. Từ 1 bệnh nhân ra hàng trăm người liên quan, rồi thông tin phản hồi từ địa bàn; khi quận, huyện khác xác minh có ca của quận mình, cán bộ lại điều tra… vô cùng vất vả để xử lý hết lượng thông tin đó. Nhưng họ luôn xác định mình là tuyến đầu, phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Mong ước lớn nhất: Người dân nâng cao ý thức
Trung tâm Y tế quận được giao rất nhiều nhiệm vụ liên quan công tác phòng bệnh, nhưng trong 364 cán bộ, nhân viên từ khối Trung tâm đến trạm y tế phường, phòng khám đa khoa…, số bác sỹ rất hạn chế so với nhu cầu, cũng vì lý do thu nhập, nên nguồn nhân lực rất khó khăn. Khi có dịch, áp lực càng lớn không chỉ do thiếu lực lượng mà còn bởi nhận thức từ cộng đồng. Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, nhiều người chủ quan đến mức cán bộ Trung tâm tham mưu phường cho cách ly tại nhà thì không tuân thủ, vẫn ra ngoài la cà, khiến những hộ xung quanh phản ứng rất mạnh với cán bộ. Không ít người lại quá sợ sệt, bất kể lúc nào cũng gọi đến "hotline", như: “Chị phải đưa người khám ngay cho con tôi vì từ sáng đến giờ không biết nó đi đâu khắp Hà Nội, giờ đang sốt; đến BV Nhiệt đới T.Ư thì chỉ được chụp phim, bảo về uống thuốc”… Cán bộ lại phải tư vấn họ bình tĩnh, tiếp tục cho uống thuốc vì chưa có yếu tố dịch tễ. Cộng đồng ở nhiều chung cư cao cấp cũng tạo áp lực rất lớn, như chỉ có 1 F2 thì họ đã ý kiến: “Sao để trường hợp liên quan người nhiễm bệnh trong khu nhà tôi?”…(!)
Để hỗ trợ cán bộ, nhân viên phòng chống dịch, TP vừa có quy định mức chi mới, khoảng gấp đôi so với Quyết định 73 năm 2011 của Bộ Y tế, dù vẫn chưa thể bù đắp hết những vất vả của họ, nhưng ít nhất cũng là sự động viên, khi ngân sách đang khó khăn. Nhưng điều những người làm công tác y tế cơ sở mong nhất là người dân hiểu biết hơn, khi có vấn đề nghi nhiễm thì nghiêm túc cách ly, giúp bảo vệ mình, người thân, cộng đồng.
Cán bộ Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cùng công an, dân phòng các phường trên địa bàn tiến hành điều tra, khoanh vùng các trường hợp liên quan bệnh nhân Covid-19 |
Dù rất mệt mỏi, họ vẫn xác định công việc phục vụ cộng đồng nên phải cố hết sức. Hằng ngày có thông tin liên quan F1, đội đáp ứng nhanh lại lên đường ngay. "Hơn 2 tháng nay lấy cơ quan là nhà, tôi phải cách ly hoàn toàn gia đình, gửi 2 con nhỏ về ông bà nội. Tôi chỉ biết đến chồng con qua các cuộc điện thoại…" - dáng người nhỏ xíu, chỉ nặng khoảng 40kg, đôi mắt trũng sâu, chị Nguyễn Thị Bình - 1 trong 2 nhân viên Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh chuyên tiếp xúc bệnh nhân để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 kể về cuộc sống trong “mùa dịch”. Chị cho hay, mỗi khi đội đáp ứng nhanh lên đường tác nghiệp, chị là người đến gần bệnh nhân nhất để lấy dịch ở mũi, họng của họ, chuyển đi xét nghiệm; sau mỗi lần ấy, đều phải khử khuẩn cả cơ thể, đến nay chắc ngấm toàn cloramin-B, rất hại da.
"Có những ngày như 18/3 nhận tin có F0, đội phải đi 3 ca liền, tôi phải lấy mẫu hơn chục trường hợp, tương ứng hơn chục lần khử khuẩn cả người và thay toàn bộ trang phục bảo hộ. Nhiều trang phục như mặt nạ mika không được cấp, chúng tôi phải mua đồ tự may, ngày cao điểm cũng phải dùng hàng chục cái. Chỉ mong nhân viên trực tiếp tiếp xúc bệnh nhân được cấp đủ trang phục bảo hộ, mong chế độ phụ cấp mới của TP sớm có hướng dẫn thực hiện, đặc biệt mong người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch hơn”- chị Bình bộc bạch.
Bà Trần Phương Anh - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh cũng bày tỏ rất lo ngại, bởi gần đây đã có lây nhiễm chéo trong cán bộ nhân viên y tế, nhất là đội xét nghiệm chịu nguy cơ rất cao bởi phải tiếp xúc trực tiếp người bệnh; dù có đồ bảo hộ nhưng quá trình thực hiện vẫn rất khó tránh bị lây, khi mật độ ca bệnh ngày càng lớn. Trung tâm đã được TP cấp 20 bộ quần áo phòng hộ cho nhân viên trực tiếp phòng chống dịch, quận hỗ trợ 100 bộ, song chưa biết tới đây ra sao, khi có những ngày nhân viên phải dùng hàng chục bộ, hiện đã gần hết số lượng đã có".