Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan hệ kinh tế Việt – Mỹ: Thêm động lực từ TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến năm 2016, Mỹ trở thành bạn hàng xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch XK đạt 33,48 tỷ USD, đặc biệt, con số này năm sau luôn cao hơn năm trước.

Việt Nam và Mỹ trở thành đối tác kinh tế chiến lược. Và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tiếp thêm động lực phát triển quan hệ kinh tế bền vững, mở ra triển vọng lạc quan.

Mức độ bổ sung lớn

Quy mô tổng sản phẩm trong nước của Mỹ (khoảng 17,8 nghìn tỷ USD) gấp 89 lần so với Việt Nam (khoảng 200 tỷ USD). Mỹ có thế mạnh rất lớn về vốn đầu tư, khoa học - công nghệ cao và nhân lực trình độ cao. Đây là những nguồn lực chiến lược gắn với 3 đột phá chiến lược mà Việt Nam rất thiếu để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đưa Việt Nam về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Ngược lại, nhiều mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam sử dụng nhiều nguồn lực tự nhiên và lao động trong nước như dệt may, nông sản được nền kinh tế Mỹ tiếp nhận với khối lượng ngày càng lớn.
Một số sản phẩm của Việt Nam được bày bán tại siêu thị Mỹ. Ảnh: Lê Huyền
Một số sản phẩm của Việt Nam được bày bán tại siêu thị Mỹ. Ảnh: Lê Huyền
Thể chế kinh tế thị trường phát triển cao và hiện đại của Mỹ, vận hành theo hệ thống pháp luật chặt chẽ là một trong những căn cứ thực tiễn để Việt Nam tham chiếu xây dựng Nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nền kinh tế Việt Nam có vị trí địa kinh tế quan trọng khu vực Đông Nam Á cho nên có thể là một trong những chỗ dựa không thế thiếu trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ. Nói rộng hơn, hầu như đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế, mức độ bổ sung, tạo sức hút lẫn nhau ngày càng tăng của hai nền kinh tế và là nền tảng để cả hai bên đồng hành phát triển. Các thế mạnh nổi trội của nền kinh tế này được khai thác và phát huy hiệu quả bởi nền kinh tế kia và ngược lại, càng tạo điều kiện phát triển bền vững quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia phù hợp với tính quy luật phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trong toàn cầu hóa.

Nhiều tiềm năng

Từ khía cạnh phát triển bền vững quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia, nếu thực hiện một phép cộng đơn giản tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu, đầu tư và các dịch vụ khác giữa hai quốc gia mỗi năm chỉ vào khoảng 50 tỷ USD, tương đương với 2,8 phần nghìn tổng GDP của cả hai quốc gia. Trong khi tiềm năng thị trường tiêu thụ của Mỹ rất lớn với 310 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người cao hàng đầu thế giới (45.000 USD/năm).

Trong khi Việt Nam đang rất cần các loại hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao của Mỹ về nông nghiệp, tin học, các ngành công nghiệp nặng, dịch vụ ngân hàng, tài chính, y tế, giáo dục cho nên các lĩnh vực hợp tác phát triển các ngành này càng có nhiều cơ hội để phát triển trên nguyên tắc cùng có lợi. Mỹ là một thị trường có tiềm năng thu hút rất lớn đầu tư trực tiếp của các DN Việt Nam, lao động, khách du lịch và lưu học sinh của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện chiến dịch khởi nghiệp từ năm 2016, chủ động, tích cực phát triển DN cả về số lượng, quy mô và hiệu quả thúc đẩy khai thác tiềm năng hiện có, tăng áp lực kết nối DN Việt với các DN Mỹ. Thực tế thành công quản trị DN, quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường của Mỹ theo pháp luật là kinh nghiệm có ảnh hưởng đến phương thức tổ chức và phát triển quan hệ kinh tế song phương giữa hai quốc gia.

TPP gia tốc động lực phát triển

Nếu xem Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) là nền tảng pháp lý thương mại song phương bình thường đầu tiên của hai nước thì TPP là một hệ thống cam kết thuộc quan hệ đối tác kinh tế chiến lược đòi hỏi hiệu lực thực hiện cao và bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế được hai bên quan tâm. Các lĩnh vực được cam kết không chỉ về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ và DN Nhà nước. Hơn nữa, trong 20 năm phát triển quan hệ, cả ở cấp độ hoạch định chính sách, DN và dân chúng của hai quốc gia đều hiểu biết sâu sắc và cụ thể hơn về hệ thống quy định pháp lý, bản chất kinh tế, thị trường, nguồn lực, thói quen, văn hóa kinh doanh của nhau cho nên những khác biệt trong hoạch định chính sách, thực thi các quyết định kinh doanh và cách ứng xử sẽ được giảm thiểu, lòng tin và niềm tin kinh doanh trong quan hệ hai bên được cải thiện. Tính đồng thuận của đối tác kinh tế chiến lược giữa hai bên thuộc các cấp tăng lên. TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với sự tham gia của 12 quốc gia đối tác kinh tế chiến lược chiếm 30% thương mại và 40% sản xuất toàn cầu, cho nên khả năng kết nối theo chuỗi và ràng buộc lẫn nhau về cơ cấu kinh tế giữa hai bên lớn hơn so với BTA. Điều này tăng khả năng thâm nhập sâu rộng hơn của DN Việt Nam vào nền kinh tế Mỹ để thu lợi ích thương mại chiến lược như mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả, tăng cạnh tranh và phát triển thương hiệu quốc gia, sản phẩm, dịch vụ. Như vậy, động lực cạnh tranh và kết nối, lợi ích thu được gia tăng tối đa càng thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia phát triển đến mức cao nhất và ở trình độ khác biệt cơ bản so với trước TPP. Nhiều tác động khó lường của môi trường kinh tế khu vực và toàn cầu như sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, khủng hoảng nợ công châu Âu, những vấn đề bất ổn trên Biển Đông… đòi hỏi hai bên phải tăng cường phát triển quan hệ. Điều này giúp giảm thiểu các loại rủi ro có thể xảy ra do tác động từ bên ngoài.

Tương lai lạc quan

Có thể thấy các nỗ lực phát triển liên tục quan hệ kinh tế song phương Việt  - Mỹ trong suốt 20 năm với điểm đặc biệt là kết quả đạt được năm sau cao hơn năm trước, và sau mỗi giai đoạn phát triển, cả hai bên đều có những cam kết pháp lý chính thức rộng lớn về quy mô, phạm vi và chiều sâu để gia tốc quá trình phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, để các cơ hội và tiềm năng kinh tế không bị rơi vào tình trạng không được khai thác có hiệu quả hay bị bỏ lỡ… Lòng tin chiến lược của hai quốc gia về kinh tế được hình thành và phát triển bền vững qua hơn 2 thập kỷ hợp tác phát triển, giảm thiểu những khác biệt, hiểu nhầm và được bảo đảm bằng những hiệp định có mức độ ảnh hưởng rộng và thời gian dài. Với sự gia tốc động lực của TPP, trong vòng 5 năm tới, cả hai quốc gia có khả năng, ở mức khiếm tốn nhất, tăng gấp đôi tổng giá trị giao dịch hiện nay khoảng 50 tỷ USD, nghĩa là đạt ít nhất 100 tỷ USD, khoảng 6 phần nghìn tổng GDP. Và giá trị của tất cả các giao dịch xuất - nhập khẩu, đầu tư, dịch vụ, hợp tác khoa học - công nghệ đều có khả năng tăng lên gấp đôi hoặc hơn. Để tương lai quan hệ kinh tế lạc quan giữa hai quốc gia nhanh chóng trở thành hiện thực, thậm chí hiện thực hóa cao hơn kỳ vọng, cần sự nỗ lực thực sự và toàn diện của cả hai bên, đặc biệt là nhanh chóng phê chuẩn TPP ở hai nước, dỡ bỏ những rào cản phát triển trong quan hệ kinh tế.
Mỹ với vai trò là một nước lớn của thế giới cần công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam vì cả hai đã cam kết là đối tác kinh tế chiến lược của nhau, chú trọng nhiều hơn đến quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, thực hiện các đột phá chiến lược của Việt Nam, thường xuyên làm tươi mới quan hệ kinh tế hai nước hoặc các lĩnh vực liên quan khác được cả hai bên quan tâm nhằm hình thành nền tảng phát triển kinh tế thực tế mới hướng tới bức tranh quan hệ kinh tế lạc quan của hai quốc gia.