Quận Hoàn Kiếm trình mở rộng thêm 7 phố và 2 ngõ đi bộ

Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa xây dựng phương án về việc mở rộng không gian đi bộ trong khu vực phố cổ thêm 7 phố và 2 ngõ.

Mở rộng 7 phố và 2 ngõ
Khu vực dự kiến tiếp tục mở rộng gồm 7 phố và 2 ngõ trong khu phố Cổ Hà Nội gồm các phố, ngõ: Hàng Chiếu, Ngõ Gạch, Nguyễn Siêu, đoạn Đào Duy Từ (từ Hàng Buồm đến Hàng Chiếu), ngõ Cầu Gỗ, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, ngõ Trung Yên.
Thời gian thực hiện đi bộ trong 3 tối cuối tuần (Thứ 6, 7, Chủ nhật), mùa hè từ 19 giờ đến 24 giờ; mùa đông từ 18 giờ đến 24 giờ. Đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh trong nhà, cho phép tổ chức hoạt động đến 2 giờ sáng ngày hôm sau.
 Việc tiếp tục mở rộng tuyến phố đi bộ sẽ tạo sự gắn kết với tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Từ đó, hình thành một quần thể không gian đi bộ rộng lớn
Phương án cũng dự kiến phân luồng giao thông và bố trí giao thông tĩnh. Theo đó, do mở rộng phạm vi hoạt động của tuyến phố đi bộ, 12 điểm giao thông tĩnh trong khu vực phố cổ phục vụ nhu cầu gửi xe của du khách vào 3 tối cuối tuần, với diện tích 937m2 sẽ bị xóa bỏ.
UBND quận dự kiến sẽ cấp bổ sung 5 điểm giao thông tĩnh, với diện tích 530m2 và đề nghị UBND TP xem xét cho phép tạm thời sử dụng diện tích khu vực gầm cầu Chương Dương phục vụ nhu cầu gửi xe của nhân dân vào tất cả các ngày trong tuần. Ngoài ra, quận cũng dự kiến lắp đặt 23 thùng rác di động, chỉnh trang các điểm nhà vệ sinh công cộng.
Về các hoạt động văn hóa, ngoài các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ đang triển khai trên các tuyến phố đi bộ thuộc địa bàn phường Hàng Buồm tại các điểm: Đình Hương Tượng, Đền Bạch Mã, Đền Quan Đế, Nhà cổ 87 Mã Mây, trước cửa Trung tâm giao lưu văn hóa phố Cổ - 50 Đào Duy Từ, 61 Lương Ngọc Quyến, ngã năm Đông Thái; khu vực tuyến phố đi bộ mở rộng sẽ tổ chức thêm các hoạt động văn hóa, văn nghệ tạo điểm nhấn tại các địa điểm: Ô Quan Chưởng, Đình Kim Ngân, Rạp Chuông Vàng.
UBND quận Hoàn Kiếm giao Công ty cổ phần Đồng Xuân trực tiếp quản lý tuyến phố đi bộ.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của khu phố Cổ
Năm 2004, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai thí điểm “Tuyến phố đi bộ kết hợp với phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch” trên tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân (gọi tắt là tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân). Đây là tuyến phố nằm tại trung tâm của khu vực phố cổ Hà Nội, nơi có nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa và là khu vực có truyền thống về kinh doanh thương mại của quận Hoàn Kiếm.
Đến năm 2014, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai mở rộng không gian đi bộ tại 6 tuyến phố trong khu vực phường Hàng Buồm, thuộc khu bảo tồn cấp I phố Cổ Hà Nội (gồm các phố Hàng Buồm - Mã Mây - Đào Duy Từ - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện).
Đến nay, hoạt động của các tuyến phố đi bộ đã có sự gắn kết với nhau hết sức chặc chẽ, vừa đáp ứng nhu cầu thăm quan, thưởng thức văn hóa ẩm thực truyền thống của khu phố cổ, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách mua sắm các sản phẩm đặc trưng của phố nghề, làng nghề Hà Nội.
Sự gắn kết các tuyến phố đi bộ đã tạo ra không gian đi bộ rộng lớn hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn quận, qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quận Hoàn Kiếm và Thủ đô Hà Nội.
Hiện nay, khu vực dự kiến tiếp tục mở rộng tuyến phố đi bộ gồm các phố: Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng, Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, đoạn Đào Duy Từ (từ Hàng Buồm đến Hàng Chiếu), ngõ Đào Duy Từ, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, ngõ Trung Yên. Đây là khu vực nằm trong khu vực bảo tồn phố Cổ Hà Nội, còn lưu giữ một số những di tích lịch sử văn hóa, tiêu biểu như: Ô Quan Chưởng - Cửa ô duy nhất còn được bảo tồn nguyên vẹn của đất Thăng Long xưa.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn quận Hoàn Kiếm phát triển mạnh. Trong đó, các tuyến phố dự kiến mở rộng thêm kết hợp với các tuyến phố Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Hàng Ngang - Hàng Đào - Hàng Đường - Đồng Xuân tạo thành một khu vực kinh doanh buôn bán sầm uất nhất Khu phố Cổ Hà Nội. Các mặt hàng kinh doanh ở đây đa dạng về mặt chủng loại như: Quần áo, các sản phẩm du lịch, quà tặng, đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, các dịch vụ khách sạn, tổ chức tour du lịch, nhà hàng, quán Bar phát triển mạnh.
Cũng như nhiều thủ đô khác trên thế giới, nhu cầu về tổ chức các khu phố đi bộ tại khu vực trung tâm là tất yếu, nhất là đối với một đô thị mang nhiều nét văn hóa lịch sử truyền thống như Hà Nội.
Việc tiếp tục phát triển, hoàn thiện, mở rộng thêm tuyến phố đi bộ trong khu vực phố Cổ sẽ tạo cho Hà Nội phát huy hết tiềm năng, giá trị văn hóa lịch sử, tiềm năng về du lịch, thương mại, dịch vụ vốn có của “Hà Nội 36 phố phường”. Vì vậy, việc tiếp tục mở rộng tuyến phố đi bộ trong khu phố Cổ Hà Nội là hết sức cần thiết nhằm tạo ra một không gian mang nhiều giá trị văn hóa mới cho người dân Thủ đô và du khách đến thăm quan, mua sắm và vui chơi.
Việc tiếp tục mở rộng tuyến phố đi bộ sẽ tạo sự gắn kết với tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Từ đó, hình thành một quần thể không gian đi bộ rộng lớn. Điều này góp phần quảng bá có hiệu quả lịch sử văn hóa kiến trúc; đồng thời phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của khu phố Cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là phát triển du lịch ngành kinh tế mũi nhọn của TP theo chủ trương của Thành ủy.
Đây cũng là việc thực hiện lộ trình từng bước mở rộng không gian đi bộ trong khu phố cổ theo chủ trương của Thành ủy - UBND TP nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa kiến trúc đặc sắc của khu phố cổ. Và từng bước giảm các phương tiện cá nhân, tạo thói quen đi bộ cho người dân cũng như sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần