Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý bàn giao danh mục di tích cho các quận, huyện, thị xã. Ảnh: Linh Anh |
Theo danh mục kiểm kê di tích đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, đến 31/12/2015, Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có 2.435 di tích đã xếp hạng. Số di tích này phân bố ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Những quận, huyện có số lượng di tích lớn như: Thường Tín 440 di tích, Ứng Hòa với 434 di tích, Ba Vì với 394 di tích, Chương Mỹ với 374 di tích… Các quận nội thành sở hữu từ 79 đến hơn 100 di tích. Sau khi công bố danh mục, Sở VH&TT Hà Nội đã bàn giao số liệu, danh mục di tích cho các địa phương quản lý.
Bên cạnh việc công bố danh mục kiểm kê di tích, Sở VH&TT Hà Nội còn công bố “Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội” do UBND TP ban hành. Quy chế gồm 5 chương, 22 điều, quy định công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích; bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quản lý và phân công quản lý di tích… Điểm mới của Quy chế quản lý là TP chỉ quản lý 10 di tích có giá trị đặc biệt, các di tích còn lại giao cho các quận, huyện, thị xã quản lý. Nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý, trông coi di tích được quy định rõ ràng, cụ thể.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Để phát huy hiệu quả hơn nữa kho tàng di sản văn hóa này, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở VH&TT Hà Nội và các quận, huyện, thị xã phối hợp, thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với di tích thuộc danh mục đã kiểm kê; triển khai thực hiện tốt Quy chế quản lý. Trên cơ sở danh mục kiểm kê, các quận, huyện, thị xã tiếp tục phân loại di tích để bàn giao cho các phòng, ban chức năng và chính quyền cơ sở quản lý một cách hợp lý. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các địa phương chủ động cân đối nguồn ngân sách đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; thu hút nguồn lực xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, mỗi quận, huyện, thị xã chọn từ một đến 2 di tích tiêu biểu và phối hợp với các ngành chức năng đưa các di tích này trở thành điểm đến hấp dẫn khách tham quan, góp phần giới thiệu, quảng bá lịch sử văn hóa của quê hương, đất nước.